Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

Về Hải Dương thăm cây vải tổ

'Vương quốc vải thiều' Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) đang vào chính vụ, sắc đỏ thắm ngập tràn trên vườn vải mênh mông và cả những chuyến xe ngược xuôi trên đường.

< Cây vải tổ gần 150 tuổi sau đền thờ ông tổ vải thiều Hoàng Văn Cơm.

Người trồng vải ở huyện Thanh Hà đang bước vào đợt thu hoạch rộ. Dọc triền sông Thái Bình là những vườn vải thiều trĩu quả chín mọng chờ tay người hái. Trên khắp các con đường, ngõ ngách, những chiếc xe chở vải tấp nập, không khí nhộn nhịp, hối hả.

< Người trồng vải thiều ở Thanh Hà đang bước vào đợt thu hoạch rộ.

Năm nay vải được mùa và bán được giá nên người nông dân nơi đây phấn khởi. Không chỉ có những chiếc xe tải của thương lái, nhiều xe chở khách du lịch cũng đổ dồn về “vương quốc vải thiều” này để tham quan, chụp ảnh và chiêm ngưỡng cây vải tổ gần 150 tuổi ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn.
Dulichgo
Cụ Hoàng Văn Thu (86 tuổi) là người trông giữ cây vải tổ cho biết: “Từ độ cuối tháng 5 tới giờ, ngày nào chúng tôi tiếp đón hơn chục đoàn khách ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nội...trong đó có nhiều học sinh được nghỉ hè tới chiêm ngưỡng cây vải tổ”.

< Những chùm vải chín mọng chờ tay người hái.

Qua tìm hiểu được biết, cụ Hoàng Văn Cơm (1848-1923) là người làng Thúy Lâm chính là người trồng cây vải tổ. Tục truyền, thời trai trẻ, cụ Cơm buôn bán hoa quả từ vùng Thanh Hà ra Hải Phòng. Trong một lần dự tiệc tại nhà hàng ở Hải Phòng với những người Hoa kiều vốn gốc gác ở vùng Thiều Châu (tên gọi khác là Triều Châu), cụ được mời ăn loại vải ngon nên đã lấy 3 hạt ươm ở vườn nhà.

< Cây vải tổ có 5 nhánh “khủng”.

Cây vải tổ này chính là cây duy nhất sống sót, xuất phát từ vùng Thiều Châu nên gọi là vải thiều. Do được trồng ở vùng đất phù sa ven sông Thái Bình, hợp với khí hậu trong vùng nên cây phát triển tốt, cho loại quả ngon nổi tiếng mà nhân dân trong vùng hết lời ca ngợi: “Cau Phù Tải, vải Thúy Lâm”.
Dulichgo
Từ cây vải quý đầu tiên, cụ Cơm chiết cành ra vườn nhà, tặng cho nhân dân trong làng, xã. Thanh Hà từ một vùng chuyên trồng cau và cam ngọt dần thành vùng chuyên canh vải. Từ đó, giống vải quý được nhân rộng ra nhiều địa phương khác như: Lục Ngạn (Bắc Giang), xã Bát Trang (huyện An Lão, TP.Hải Phòng)...

< Hối hả đóng quả vải tươi chuyển đi TP.HCM.

Cây vải tổ hiện có 5 nhánh “khủng” ở phía sau đền thờ cụ Cơm, quanh đó còn có 2 cây vải hàng “con cháu” cũng rất lớn, cành lá xum xuê. Trên cành lưa thưa những chùm quả vải chín đỏ, tuy bé bằng viên bi nhưng cùi dày, mọng nước và ngọt thanh, hạt bé xíu.

< Nhiều gia đình ở Thanh Hà thoát nghèo, xây nhà khang trang nhờ trồng vải.

Theo cụ Thu, vào tháng 6.1958, nhân dân làng Thúy Lâm đã đem 30kg vải lên Phủ Chủ tịch ở Hà Nội để biếu Bác Hồ. Bác Hồ khen Thúy Lâm có giống vải quý, ăn rất ngon và khuyến khích nhân dân phát triển giống vải này.
Dulichgo
Năm 1992, Trung ương Hội làm vườn Việt Nam đã ra quyết định công nhận cây vải do cụ Cơm trồng là cây vải tổ. Hàng năm người dân trồng vải ở nhiều nơi lại về thắp hương tưởng nhớ công lao của cụ Cơm.

< Quả vải là món quà quê thường được người dân Thanh Hà mang ra mời khách.

"Đền thờ cụ Cơm mới được tỉnh Hải Dương tôn tạo lại khang trang, ấm cúng. Phía trong điện thờ có treo bức trướng đỏ với dòng chữ “Nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm (ông tổ vải thiều)” và một tấm bia ký do nhân dân huyện Thanh Hà dựng khắc dòng chữ ghi nhớ công lao của cụ. “Cụ Cơm đã mang “cơm” tới nhiều người dân”, cụ Thu cười nói.

Theo Vũ Ngọc Khánh (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét