Tôi đã lên đường phiêu bạt Hà Giang – vùng đất cực Bắc của Tổ quốc để được cảm nhận hết cái Xuân đang đến gần...
Người phương Nam, thậm chí người Hà Nội không thể biết thế nào là xuân đúng nghĩa... xuân (!), nếu đúng tiết gọi là xuân không ngược vùng Tây Bắc – nơi ngàn trùng xa ấy. Nói vậy không phải để ngán ngại mà để nhằm “kích” cái mơ, cái cảm, cái tò mò của kẻ ưa phiêu bạt mà hãnh diện nếu lên đường.
Hà Giang theo dân du lịch bụi và dân phượt chuyên nghiệp là vùng cao nguyên hoang sơ hùng vĩ khó nhằn nếu đi bằng xe máy. Chiều cuối năm thời tiết dập dìu lạnh, phơn phớt lẽo, chúng tôi nhóm bạn trẻ “lướt lả” lên đường. Bắt đầu từ Hà Nội điểm dừng chân đầu tiên sẽ là Tuyên Quang.
Đường tàn đông còn vùi nướng giấc ngủ xám xịt nhưng cánh áo đông rượi rã không ngăn được những hàng cây từ lâu náo nức chờ Xuân đâm chồi, nẩy lộc. Ngang qua những bờ đê dọc sông Hồng mấy cô mấy bà nhà vườn đã bày bán hoa đào, hoa mai trong hợp âm nao nức của vài ba cánh én Xuân.
Dulichgo
Bỏ qua cái lịch trình từ Hà Nội đến Tuyên Quang, rồi từ Tuyên Quang đến được thị trấn biên cương Hàm Yên trong hiu hiu gió biên cương, chúng tôi đến được Hà Giang khi đã lung lửng đêm.Thị xã Hà Giang đón chúng tôi bằng hai bát phở bò gia truyền ngon tuyệt. Đây có lẽ là bát phở bò đầu tiên và cũng là cuối cùng trong chuyến đi mà chúng tôi được ăn. Vì những ngày sau là ngày tết hàng quán nơi đây ngày thường còn khan hiếm nên ngày tết dường như tê liệt.
Sáng hôm sau theo lịch trình từ thị xã Hà Giang theo quốc lộ 4C khoảng 43km tới huyện Quản Bạ. Vậy là Hà Giang với thị trấn Vị Xuyên, nơi có chè San Tuyết nổi tiếng tôi vẫn chưa kịp thưởng thức (mặc dù chẳng mê mẩn gì với chè nhưng với một đứa con gái ưa mơ mộng lại có cảm tình đặc biệt với cái tên chè là “San Tuyết”). Có thể “San Tuyết” gợi cho tôi một câu chuyện đầy thú vị chăng?...
Đèo Quản Bạ với chiều dài 45 km mở đầu cho cuộc hành trình chinh phục núi là núi, cho một cuộc phiêu lưu mạo hiểm đầy khám phá. Đường đi Quản Bạ dọc sông Lô, nước sông vào chớm Xuân xanh ngắt, cái màu xanh mát gợi cho con người ta nhiều xúc cảm lâng nối tiếp lâng. Ngày xưa cụ Nguyễn Tuân đã ví nước sông Đà như nước sông Lô cái màu canh hến đùng đục, không biết cụ đã đi vào mùa nào để quan sát, tôi không nhớ nữa..
Ngun ngút tầm mắt là núi và đèo. Đây có lẽ là một cung đèo bảng lảng nhất, mờ ảo nhất, mông lung nhất mà tôi thấy. Mấy cô bé người Dao váy áo muôn màu đi trong sương khói trông như một bức tranh là đà ảo ảnh. Lạnh. Lạnh hơn tôi tưởng khi chênh vênh trên vùng cao này. Lần đầu tiên có cảm giác cái vị lạnh buốt thấu da là như thế nào. Lao xe hun hút gió núi, gió trời xin xít phả vào nhau mà cảm giác đang trôi về cõi nào xa lắm. Sương mù từng thúng đổ xuống, thoắt chả thấy ai, bóng người trước bỗng nhạt nhòa và hút trong màn sương mỏng mảnh ấy. Bản làng, thung, hay những con đường bị hòa trong sương. Đi giữa sương, giữa mây cảm giác như đang lạc vào một cõi nào xa lắm. Đôi lúc trong tôi bật ra câu hỏi “phía xa xa kia là gì?” rồi lại tự trả lời một cách ngớ ngẩn “là sương, là mây, là núi, là hoa là hư vô…”. Dulichgo
Phải nói một điều rằng bắt đầu từ Hà Giang đi Quản Bạ, từ Quản Bạ qua thị trấn Yên Minh rồi qua Đồng Văn rồi Mèo Vạc tất cả là những cung đèo xoáy qua những trái núi, đó là những ngực núi lừng lững cứ đứng hiên ngang thách thức với đất trời, ở đó những người tộc như những hạt sương nhỏ nhoi đọng trên núi, bạn hãy hình dung như vậy sẽ thấy thiên nhiên thật hùng vĩ. Tôi không phải là nhà văn để có thể lôi hết những ngữ từ tả cho bạn hiểu. Đường đi đẹp nhưng cũng đầy hiểm trở, toàn khúc cua cùi trỏ, một bên là vực sâu thẳm, một bên là núi, một chút sơ sẩy thôi có thể văng xuống vực…
Chỉ có thắc mắc một điều, trên những cung đèo dài dằng dặc và mịt mù ấy, cảm giác như đi hoài đi mãi vẫn chỉ là mây, là núi, là sự mịt mù thăm thẳm, bốn phía là núi rừng, bốn phía là tiếng vọng của thiên nhiên hoang dã, lạnh lẽo, tiếng gió dội lại rờn rợn qua vách núi, lác đác những người tộc, nam có, nữ có, già có, trẻ có họ tụ thành từng nhóm, cứ đi, cứ đi, đôi lúc tôi tự hỏi họ đi về đâu, đích của họ là đâu trong một cung đèo dài như vậy…
Cuối cùng thì đã tìm được câu trả lời, đó là những thị trấn như Yên Minh, như Đồng Văn, những thị trấn nhỏ nằm trên một gồ đất tạm gọi là bằng phẳng hơn núi, nơi có mấy thứ nhạc sập sình phát ra. Nơi với họ có thể là thứ ánh sáng duy nhất, ánh sáng của văn minh, ánh sáng của cái gì đó lung linh nhất, xa xỉ nhất.
Tự dưng nhớ đến “Hai chị em” trong tác phẩm của Thạch Lam cũng đợi thứ ánh sáng ấy, thứ ánh sáng duy nhất của chuyến tàu đêm trong chuỗi ngày hẩm hiu và buồn tẻ của hai chị em. Tôi thích văn Thạch Lam bởi lối kể chuyện nhẹ nhàng, những câu chuyện không có cốt truyện cũng nhẹ nhàng như chính giọng văn của ông…
Dulichgo
Mùa xuân đến điểm mặt trên các sắc lá cái màu non tơ của chồi non, biêng biếc của lộc, màu đỏ rực của hoa chuối rừng, màu trắng của hoa lê, hoa mận, màu hồng phớt của hoa đào và cả cái màu vàng mùa trước của những chiếc lá còn sót lại, hòa cùng những sắc màu của váy áo thổ cẩm của những chàng trai cô gái người tộc xuống đường du xuân…
Chạy xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Mã Pì Lèng tới Mèo Vạc. Mở ngoặc chút về Mã Pì Lèng được mệnh danh là vua của những con đèo ở miền Bắc. Không phải bởi khó đi, mà bởi cảnh quan hùng vỹ và câu chuyện thanh niên cảm tử phá đá mở đường trên con đèo hiểm trở này. Đứng trên đỉnh Mã Pì Lèng, dang rộng cánh tay đón gió, cảm giác như đang bay lơ lửng trên bầu trời.
Đường Hạnh Phúc bắt đầu từ Hà Giang, chạy xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Mã Pì Lèng tới Mèo Vạc ấy dài gần 200 km, con đường này là máu xương, là huyền thoại về sức trẻ của thanh niên từ 16 dân tộc các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nam Định và Hải Dương. 8 năm, hơn 2 triệu ngày công, 1.000 thanh niên xung phong, 1.200 dân công, 9 triệu tấn thuốc nổ và biết bao công sức đã đổ xuống để mở ra con đường này. Đi trên con đường không chỉ để thưởng ngoạn cảnh đẹp, mà còn để tri ân những người đã nằm xuống cho từng lối ta đi.
Còn cao Nguyên Đồng Văn đó là một cao nguyên đá, với núi là núi, xiên núi, rẽ núi, quằn núi, cứa núi, những con đường ngoằn ngoèo qua những núm núi, ngực núi, lao xe trên đường xe mà cảm giác đứng tim, một chút sơ sẩy thôi, một cái chớp mắt thôi có thể văng xuống vực… Càng đi tôi càng thấm thía cái lạnh của miền núi cao là như thế nào… buốt lên tận não…
Dulichgo
Đến được thị trấn Đồng Văn khi trời đã nhấm nhem tối, một cái thị trấn nhỏ với vài ba ngọn đèn leo lét đỏ không làm cho du khách thấy ấm hơn giữa cái lạnh buốt da thịt này. Khách sạn Hoàng Ngọc duy nhất ở cái thị trấn ấy mở cửa. Cô cháu của chủ khách sạn - làm lễ tân với với nước da trắng hồng của vùng núi cao quanh năm lạnh này, nghe đâu có học gì đó ở Hà Nội nên cách ăn mặc cũng đậm chất phố phường nhưng không được tinh tế từ màu sắc đến kiểu dáng với kiểu tóc nhuộm hoe hoe vàng, đón tiếp khách bụi đường bằng nụ cười niềm nở cùng chất giọng trong trong lảnh lót trong cái đêm xám ngắt lạnh này.
Cái hẹn 20 giờ sẽ đi “cà phê phố cổ” nổi tiếng ở Đồng Văn ngay chợ Đồng Văn với những ngôi nhà đất cũ kỹ 2 tầng do những già làng người tộc sống lâu năm ở đây, những già làng này biết rất nhiều chuyện hay, tính chuyến đi này sẽ đến diện kiến và… hóng hớt, nhưng tôi không thực hiện được vì thời tiết buổi tối xuống khá lạnh. Những ngày lạnh nhất ở đây nhiệt độ trong nhà xuống còn 5-7 độ, có khi bạn đưa tay xuống thau nước sẽ thấy lớp đá đóng băng phía dưới.
Sáng hôm sau chúng tôi đến Lũng Cú trong màn mưa xuân lất phất, tiếng chuông đeo cổ của mấy con bò ăn cỏ trên những triền đồi leng keng trong gió. Trên đường từng tốp người tộc du xuân, tiếng nói cười của họ vẳng trong gió, va vào vách núi tạo thành những tiếng khèn âm vang. Thỉnh thoảng trên đường tôi bắt gặp cái kéo tay của chàng trai và cái nhìn bẽn lẽn của cô gái chớm tuổi dậy thì…
Sau, hỏi ra thì mới biết, mồng 3 âm lịch ở Mèo Vạc có tục “bắt vợ” đây là một tục lệ có từ lâu đời của người H’Mông, các cô gái từ 13 tuổi trở lên, ngày hôm đó đều ăn mặc rất đẹp, đi dạo thành từng tốp trên đường, để cho các chàng trai họ “ưng” cái nhìn “bắt” đi. 3 ngày ở nhà chàng trai nếu không có phản ứng gì, có nghĩa là đồng ý làm vợ, chàng trai sẽ đem con gà đến lễ nhà gái, thế là xong! Đây là một tập tục mà theo tôi thấy rất chi là điên rồ… Hôn nhân, ở với nhau một đời chỉ là một trò chơi con trẻ, chẳng biết tình yêu của họ đặt ở đâu cho trò chơi ấy? Hay người tộc họ có suy nghĩ đơn giản hơn người kinh chăng?...
Chợ Lũng Cú nằm neo neo bên những cánh đồng hoa cải vàng rực dưới chân núi, chơi vơi trên mép đồi là mấy cây mơ, cây mận đua nhau khoe sắc. Tự dưng tôi lại nhớ đến những triền đồi ngập hoa mơ hoa mận trên đường đi cao nguyên Mộc Châu, đó là miền cao nguyên đầy ắp kỷ niệm được xếp ngay ngắn trong lớp ký ức nhỏ nhoi của tôi.
Chợ Lũng Cú trưa, hắt bóng với những vũ điệu Xuân của lũ trẻ con người tộc làm tôi thấy thích thú, những đứa trẻ chơi bóng và xoay tùng váy như một vũ điệu đẹp một cách lạ lùng… Có lẽ hành trình chuyến đi tôi bắt gặp ở đây không khí Xuân nhất, ấm áp nhất trong cái lạnh heo hút này...
Trong cái không khí xuân nơi đây, bạn đừng quên đến thăm cột cờ Lũng Cú nổi tiếng phân ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đứng bên cột cờ Lũng Cú, nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trong gió, tận mắt thấy điểm đầu tiên đặt nét bút vẽ nên bản đồ hình chữ S là lúc lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước dâng tràn.
Theo Một Thế Giới
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét