(TTO) - Con đường từ miền Tây về TP.HCM dài hun hút, quốc lộ 1 buổi xế trưa nắng như đổ lửa. Nhìn các bảng hiệu bên đường mới biết đang vào địa phận Bến Lức, Long An - vùng đất nổi tiếng với "thương hiệu" thơm (khóm).
Xe chúng tôi chạy qua những sạp hàng mái lá thô sơ, đóng sơ sài bằng gỗ tạp. Mít, chuối và nhiều nhất là những trái thơm vỏ xanh, vàng cam nằm sắp lớp bên đường. Có cả những trái thơm đã xay mắt, lộ khe thịt vàng tươm nước ngọt, bọc kín trong nilông che bụi treo lủng lẳng. Nhìn những trái thơm đã được gọt sạch vỏ, màu vàng ngon mắt đung đưa trong nắng, lại nhớ về những tháng năm chưa xa khi đường sá còn cách trở, xe đò và các loại xe về miền Tây thường dừng lại cho tài xế nghỉ ngơi và khách xuống mua thơm.
< Trái thơm gọt sẵn, giá 12.000 đồng/trái.
Vừa ăn giải khát vừa mua về làm quà vì khi đó miền Tây có nhiều vùng trồng thơm, nhưng ngon nhất vẫn là khóm Cầu Đúc (Hậu Giang) và thơm Bến Lức (Long An).
Dulichgo
Xe dừng lại một quầy nhỏ bên đường. Anh bạn đi cùng nghi ngại khi thấy cô chủ lôi từ trong thùng đá ra một trái thơm ướp lạnh vàng ươm rồi bày thêm đĩa muối ớt đỏ hực. Cô khéo léo chẻ nhỏ trái thơm ra từng miếng, ghim thêm cây tăm tre.
Xóc từng miếng thơm mát lạnh bỏ vô miệng, nhai rào rạo trong tiếng vỡ giòn rụm, hớp thêm chút nước suối đá lạnh thì gương mặt khô héo vì nắng của anh tươi tỉnh và thư giãn hẳn ra. Chưa kịp cản, anh chàng đã ăn "bay" nửa trái. Cô chủ vừa nói “coi chừng rát lưỡi đó đa” thì anh đã thè lưỡi, nhăn nhăn. Cũng cô chủ lật đật lục cái hộc dưới chân đi tìm gói đường: "Tại chú ăn cái cùi thơm mới rát. Ăn miếng đường vô cho dịu chút”.
< Thơm đỏ, thơm son thường chỉ bày bán dịp tết.
Cũng may trong túi tôi lúc nào cũng có sẵn kẹo. Ăn kẹo xong, anh lại có ý muốn mua vài trái về bỏ tủ lạnh ăn dần vì thơm "thơm và ngon quá”. Theo cô chủ hàng, những trái thơm được gọt, ướp lạnh là những trái chín ngấu nên ngọt và giòn nhất dù thực chất thơm Bến Lúc trái nào cũng ngọt. Nhưng trái mới chín vị ngọt thanh có chen chút chua nhẹ.
Thơm gọt sẵn người mua hay chọn về làm món khóm xào hay nấu canh chua, kho chay. Vị ngọt hậu nên khỏi cần nêm thêm gì. Còn thơm trái nguyên vỏ thì mua về xay sinh tố, ép hay làm thuốc. Thuốc thì theo truyền miệng thơm giúp tiêu hóa, chống viêm, tẩy độc, chữa sỏi thận... Cô còn nói thêm trên mạng có nhiều bài hướng dẫn lắm rồi ân cần giải thích khu vực này quanh năm toàn bán thơm xanh, vì thơm vỏ xanh một năm cho trái tới 2 - 3 đợt.
Dulichgo
Đợt tết mới bán thơm đỏ, mà sau này còn gọi là thơm son. Thơm son chỉ dùng để chưng, do trái nhỏ mà thịt lại chua. Trồng khó, một năm chỉ cho một đợt trái nên nhà vườn trồng chủ yếu phục vụ cho chưng cảnh mùa tết. Khi đó các sạp quanh đường đều bán thêm thơm đỏ, nhưng sát tết nếu ai còn ôm thơm đỏ thì coi như thua.
"Thơm xanh cứ bán lai rai tới tới - cô chủ hàng nói - Bán hổng nghỉ ngày nào hết. Khách đi chơi ai cũng ghé ăn thơm giải khát. Tết bán cho giới trẻ đi chơi nhiều lắm”.
Thơm Bến Lức - đặc sản của xứ Long An
< Những trái thơm chín ngọt.
Hồi xưa nghe tôi thắc mắc "thơm và khóm có gì khác nhau”, bà nội tôi kể chuyện cổ tích trái Huyền Nương, rồi bảo trái khóm thì tròn, trái thơm thì dài. Khóm thì nhỏ trái, vỏ vàng, vị chua, mắt khít, chỉ dùng nấu canh chua. Còn thơm, người ta kêu vậy để phân biệt với khóm, là giống cũ. Thơm là giống mới, chỉ loài thơm tây, vỏ xanh trái to, thịt ngọt, mắt thưa, có thể gọt ăn chơi, ăn sống. Khóm có từ xưa, thơm mới gần đây do người Pháp mang vào rồi người Việt trồng.
Sau này hỏi lại cha tôi (là kỹ sư lâm nghiệp), ông lại bảo: “Thơm, khóm, dứa đều là một loại, tên khoa học Ananas comosus, là loại cây ăn trái phổ biến ở các nước vùng nhiệt đới, chỉ khác nhau cách gọi.
< Một sạp bán thơm ven đường.
Trái thơm ở Việt Nam là một giải pháp cho những vùng đất bị nhiễm phèn nặng không trồng được lúa. Miền Bắc, miền Trung cũng có trồng, nhưng có lẽ thổ nhưỡng Long An và Cầu Đúc, Hậu Giang phù hợp nên trái thơm ngon và ngọt hơn”.
Dulichgo
Nói đến Long An, du khách thường nghe nói về gạo nàng thơm Chợ Đào, rượu đế Gò Đen, nhưng đặc sắc và dân dã nhất vẫn là dưa hấu Tân Trụ và thơm Bến Lức bày bán dọc hai bên đường. Trong đó, dưa hấu nhiều nhất vào mùa trước tết, còn thơm Bến Lức thì bày bán quanh năm.
Vì thế nếu như đi đường khát nước, bạn hãy thử ghé một sạp hàng bán thơm ven đường, ăn miếng thơm chín ướp lạnh. Cam đoan sẽ thấy rất “‘đã”.
Theo Nga Bích (Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Khóm Bến Lức nức tiếng gần xa
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét