Sông Sêrêpốk chảy qua khu du lịch văn hóa, sinh thái Buôn Đôn, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) một thời hùng vĩ góp phần tạo nên thương hiệu khu du lịch của tỉnh.
Tuy nhiên hiện nay, đoạn sông này (20km) đã cạn trơ đáy, trở thành dòng sông "chết," gây bức xúc cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn và sự thất vọng cho khách du lịch.
Anh Y Thu, ở buôn Trí A, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), cho biết trong mấy năm nay, thủy điện ngăn dòng nên đoạn sông này cạn trơ đáy, hoạt động chèo thuyền đưa khách tham quan du lịch đôi bờ không còn nữa, người dân không có việc làm, mất nguồn thu nhập. Đặc biệt, dòng sông, bến nước đã gắn bó với đồng bào từ bao đời và đã đi vào thơ ca, sách sử... nay không còn nữa.
< Khu du lịch thác Bảy nhánh trở thành dòng sông khô.
Dulichgo
Anh Nguyễn Văn Hùng, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Tôi thấy nhiều người nói ở đây có dịch vụ cưỡi voi, bơi thuyền vượt sông Sêrêpốk nên gia đình rất hào hứng. Nhưng khi đến nơi, tôi không nghĩ dòng sông Sêrêpốk hùng vĩ mà chúng tôi đã từng nghe lại như những cái ao làng như hiện nay!"
Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Thanh Hà, than thở từ năm 2014, công trình thủy điện Sêrêpốk 4 A ngăn dòng, tình hình sản xuất kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại khu du lịch Buôn Đôn gặp nhiều khó khăn, khách du lịch giảm hẳn (về số lượng cũng như thời gian lưu trú).
Tại Công ty Du lịch Thanh Hà, doanh thu cũng giảm hơn 50% khi dòng sông Sêrêpốk chưa chặn dòng. Hầu hết du khách đều tỏ ra không hài lòng, thất vọng vì sản phẩm du lịch bị "teo tóp" do tác động tiêu cực từ các công trình thủy điện...
Ngay như ngọn thác Bảy Nhánh trên dòng sông Sêrêpốk là một trong những danh thắng nổi tiếng và là điểm đến không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến Buôn Đôn nhưng nay chỉ còn là bãi đá phơi mình dưới nắng chói chang, không còn cảnh tượng thơ mộng, hùng vĩ, quyến rũ như xưa với những thác nước trắng xóa, ầm ầm ngày đêm đổ xuống dòng sông Sêrêpốk cuồn cuộn chảy...
Nguyên nhân của tình trạng này theo lãnh đạo của Ủy ban Nhân dân huyện Buôn Đôn chính là do việc ngăn dòng của công trình thủy điện Sêrêpốk 4 A.
< Thủ phạm giết môi trường chính là đây!
Theo thiết kế, công trình thủy điện Sêrêpốk 4 A lấy lại toàn bộ lưu lượng nước được trả về cho môi trường từ công trình thủy điện Sêrêpốk 4 (đã được xây dựng trước đó).
Dulichgo
Công trình thủy điện này có lưu lượng nước xả ra là 135 m3/giây, đủ để duy trì sự sống cho dòng sông Sêrêpốk cũng như các cảnh quan, môi trường khu vực nói chung. Nhưng đến khi công trình thủy điện Sêrêpốk 4A tận dụng lại nguồn nước của Sêrêpốk 4 xả ra bằng cách đắp một cao trình đập 100m để dẫn dòng qua 3 xã Ea Huar, Ea Wer, Krông Na (huyện Buôn Đôn) đến tuabin phát điện tại cầu 19, với lưu lượng nước xả trả lại cho môi trường chỉ có 8,23 m3/giây và từ đó đoạn sông này trở nên đoạn sông "chết"... kéo theo cảnh quan, môi trường biến đổi theo chiều hướng tiêu cực.
< Voi lội dòng Sêrêpốk giờ sẽ trở thành quá khứ?
Khu du lịch Buôn Đôn nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) gần 50km về phía Tây Bắc, nơi đây nổi tiếng lâu đời về nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, có Vườn quốc gia Yok Đôn rộng trên 100.000 ha, là bảo tàng phong phú về hệ động, thực vật tự nhiên, có dòng sông Sêrêpốk chảy qua. Đây cũng là nơi chung sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số Êđê, M’nông, Lào, Thái... và là một trong những khu du lịch về văn hóa, sinh thái nổi tiếng của Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.
Theo Quang Huy (TTXVN/Vietnam+)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét