Chủ Nhật, 5 tháng 7, 2015

Tìm về một triền đê truyền thuyết

(TTO) - Chẳng hẹn mà thành, sáng cuối tuần không để mặt trời nhô cao, chúng tôi cùng nhau lang thang theo câu thơ của cụ Hoàng Cầm năm xưa để tìm về "bên kia sông Đuống".

< Thuyền nhỏ lặng lẽ khua mái chèo dưới dòng sông Đuống.

“Em ơi!
Buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh”...

< Đền Phù Đổng uy nghi, cổ kính trong nắng mới.

1. Không mất quá nhiều thời gian cho hành trình chỉ 20km từ trung tâm Hà Nội, chúng tôi đã tới được bờ bên kia sông “cát trắng phẳng lì”. Đó là vùng quê Phù Đổng, huyện Gia Lâm, nơi có lẽ đặc biệt hơn những làng quê khác bởi đã sinh ra một trong Tứ Bất Tử của Việt Nam - Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng.

< Sau phiên chợ quê, nhiều người lại xuống nghỉ chân bên đền.

Có lẽ với tuổi thơ của mỗi người truyền thuyết được thầy cô, ông bà kể cho nghe đều in đậm trong tâm hồn. Khi ta đã lớn lên rồi, có kiến thức và suy luận dù biết rằng truyền thuyết chỉ là câu chuyện huyền diệu, đôi khi phi thực tế.

< Đôi rồng đá hai bên cổng đền Phù Đổng.

Nhưng chính những truyền thuyết đẹp in đậm từ thời thơ ấu đã nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu và bản lĩnh cho mỗi chúng ta khi đã trưởng thành. Truyền thuyết Thánh Gióng cũng vậy, nó như một sự ước lệ tượng trưng cho lòng yêu nước, chống giặc ngoại xâm và sức mạnh của tuổi trẻ của người Việt.

Và chúng tôi đã mang theo trong mình  một chút ước mong trở về với dòng sông tuổi thơ khi tìm về ngôi làng ấy.

< Chiếc khánh đá cổ ở chùa Kiến Sơ.

2. Bây giờ làng quê Phù Đổng đã đổi thay mạnh mẽ, đô thị hóa phát triển kéo theo sự giàu có. Để tìm một triền đê với đàn trâu đang thảnh thơi gặm cỏ, xa xa lũy tre làng với những cánh cò trắng là một sự cứng nhắc không tưởng.

Nhưng không phải vì thế mà cái mầu xưa cũ đã biến mất khỏi vùng đất đã nuôi dưỡng ra truyền thuyết Thánh Gióng.

< Người dân giặt chiếu dưới hồ nước.

Vẫn còn đây phiên chợ quê bình dị họp ngay trên đê mỗi sớm hôm. Rồi từ trên triền đê ấy, chúng tôi đã bước từng bậc gạch rêu cỏ để xuống thăm đền Phù Đổng.
Dulichgo
Đền Phù Đổng cùng với đền Hạ, chùa Hương Hải, chùa Kiến Sơ tạo thành một quần thể di tích độc đáo ở vùng quê này. Trong đó tất nhiên đền Phù Đổng là kiến trúc chính, đồ sộ và uy nghi nhất.

< Giếng cổ rêu phong trong đền Phù Đổng.

Thủy đình cổ kính với cây đa già như một nét vẽ đầu tiên của bức tranh nhuốm mầu truyền thuyết. Cây đa hàng trăm năm tuổi đã chứng kiến bao đổi thay của một ngôi làng ven đô.

Ông cụ làm công tác Thủ từ ở đền Phù Đổng bảo mấy năm nay khách thập phương mới coi đây là một điểm đến trong hành trình du lịch ven bờ sông Đuống. Chúng tôi nghĩ có lẽ bởi lễ hội Gióng đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại.

< Bình yên nơi chùa Kiến Sơ.

3. Không khói hương, chẳng bon chen câu kéo của những quán hàng rong… có lẽ đó là điều hạnh phúc với chúng tôi. Bởi cái tĩnh lặng của làng quê khi ngồi bên gốc đa sẽ du hồn ta lạc vào miền truyền thuyết.
Dulichgo
Và cũng bởi trước chuyến đi mọi người đều muốn tránh sự ồn ã của nhịp sống nội thành. Vậy nên không phải mùa lễ hội, chẳng đúng hôm rằm, mồng một khi vãn cảnh nơi đây lại cho ta cảm giác khoan thai lạ thường.

Tôi cứ ngắm mãi cây đa cổ thụ với những bà lão ngồi dưới gốc tâm tình sau phiên chợ sớm, rồi ngước lên cổng đình uy nghi mà bỗng như thấy mình đã thích vùng đất này mất rồi.

< Gốc đa già - nơi mọi người tâm tình sớm hôm.

Nhiều đứa trẻ vẫn luôn tin truyền thuyết là có thật và khi lớn lên không ít người đã tò mò đi tìm sự thật hoang đường ấy. Chúng tôi cũng vậy.

Sau khi lang thang ở đền Phù Đổng, chùa Kiến Sơ, mọi người bắt đầu rủ nhau đi xuống tận bến sông Đuống để tìm xem có dấu chân khổng lồ ngày xửa ngày xưa không. Dấu chân mà mẹ Thánh Gióng đã ướm thử rồi sinh ra Ngài.
Dulichgo
Tre đằng ngà như trong truyền thuyết cách xã Phù Đổng vài cây số giờ chẳng còn khóm nào nữa và tất nhiên dấu chân thần thánh ấy chưa bao giờ tồn tại ở đời thực. Thay vào đó, giờ đây nằm bình yên ngoài chân đê ấy là ngôi đền Hạ, nơi thờ người đàn bà đã sinh ra Phù Đổng Thiên Vương.

< Phiên chợ quê bình dị bên triền đê.

4. Khi cái nắng đã nhô cao đỉnh đầu, mọi người lại cùng nhau vào một quán nhỏ bên chợ để thưởng thức bát chè, que kem mát lạnh.

Không cần phải có những chuyến đi xa, đắt tiền mà chỉ một buổi lang thang nơi triền đê sông Đuống cũng đã nạp đủ năng lượng sống, cảm hứng để chúng tôi đón một tuần lao động mới.

Theo Hải Dương (Báo Tuổi Trẻ)
Du lịch, GO!
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét