Khu vực gò đất cao từ Bà Chiểu tới Phú Nhuận là nơi có nhiều lăng mộ của các công thần thời Trung Hưng nhà Nguyễn, từ Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt, Phan Tấn Huỳnh, Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu tới các vị tướng như Võ Tánh, Võ Di Nguy; những người này tuy không sinh ra ở Gia Định nhưng sự nghiệp lại gắn liền với vùng đất này.
Võ (Vũ) Di Nguy theo sử sách nhà Nguyễn thì ông là người huyện Phú Vang (Vinh), phủ Thừa Thiên, ông có công theo Nguyễn Ánh đi Vọng Các (Băng Cốc – Thái Lan ngày nay) – được xếp vào “Bậc nhất Vọng Các công thần”, giỏi thủy chiến, từng làm Cai cơ, quản thuyền Nội Thủy, Trung Thủy, có công rất lớn trong việc xây dựng thủy quân Nguyễn Ánh trong cuộc chiến tranh với Tây Sơn ở Gia Định (1790 – 1801).
Ông mất năm 1801 trong trận đánh tại cửa biển Thị Nại, Quy Nhơn khi cùng Lê Văn Duyệt đốc chiến. Thi hài ông được đưa về Gia Định chôn cất và thờ ở đền Hiển Trung. Năm 1807 được Gia Long tặng hàm Thiếu Bảo và được thờ ở miếu Trung Hưng công thần tại Huế, đầu đời vua Minh Mạng được tặng hàm Thái Bảo, năm 1831 được vua Minh Mạng truy phong Bình Giang Quận công.
Tọa lạc tại Số 19 đường Cô Giang, Phường 2, quận Phú Nhuận ngày nay, Lăng Võ Di Nguy với kiểu kiến trúc chỉ dành cho bậc đại công thần được chia làm hai khu: khu đền thờ phía trước và khu mộ phía sau.
Mộ được đắp bằng ô dước, nhô khỏi mặt đất khoảng 0,25 m, hình chữ nhật với kích thước 2 x 1,6 m. Với kiến trúc gồm bình phong trước, bình phong sau, vòng tường bao xung quanh cùng các trụ cột là những thành phần che chắn, bảo vệ cho phần mộ ở giữa. Mộ được xây dựng có dạng hình chữ nhật vuông xung quanh khắc các đường trang trí và hình tượng “dây lá hóa rồng” đang bay lượn.
Dulichgo
Cách đầu mộ khoảng 1,8 m là bức bình phong hậu bằng ô dước hình chữ nhật, hai bên đắp phù điêu rồng chầu: đầu ôm cột có đính tòa sen, đuôi quấn chân bình phong (phong cách Angkor); ở giữa là 2 ô bài vị khắc chữ Hán: ô bên phải nói về công trạng của Võ Di Nguy, bên trái nói về thân thế phu nhân Võ Di Nguy. Tuy nhiên hầu hết chữ đã phai mờ rất khó đọc.
Khu tiền mộ (sân trước mộ) được ngăn bởi hai bờ tường, chừa cổng vào ở giữa. Đặc biệt, sinh thời Võ Di Nguy là danh tướng thủy quân (tước Bình Giang Quận công) nên trên mỗi bờ tường có tượng con rái cá.
Một hồ nước nhỏ gắn với bức bình phong cao khoảng 1,8 m hai bên có tượng hai con sư tử mắt lồi, đuôi xòe, nhe răng ôm lấy bình phong có chiều ngang 3 m. Mặt trong bình phong chạm hình “vân tùng lộc” (mây, cây tùng và hươu nai), mặt ngoài bình phong rong rêu đã phủ kín.
Đặc biệt, giữa sân phía trước mộ có tượng 2 con lân nhỏ rất đẹp, xứng đáng được liệt vào “tượng linh vật thuần Việt”, đó là chưa kể trên 2 cột trụ vuông có đặt 2 con lân lớn cũng uy mãnh và đẹp không kém... Trước mộ có bệ thờ bằng ô dước dài 1,4 m, ngang 0,6 m, cao xấp xỉ với mặt mộ. Trên bàn thờ đặt lư gốm to. Chân bệ thờ hình bàn quỳ kê trên 4 con kỳ lân ở 4 góc.
Dulichgo
Ngoài bờ tường phần mộ Võ Di Nguy còn có 4 ngôi mộ khác. Bên phải là mộ bà Lê Thị Mười (phu nhân Võ tướng công) và mộ người con trai thứ Võ Di Thiện. Bên trái là mộ người con dâu tên Triệu Thị Đào và một mộ phần vô danh. Cạnh 2 mộ này có một giếng nước cổ. Toàn bộ khu mộ được đắp nổi nhiều hình tượng và trang trí nhiều mô típ hoa văn độc đáo, sống động: búp sen, kỳ lân, rồng, hổ, rái cá; tùng lộc, lộc bình, hoa điểu, hoa cúc dây… cùng nhiều bài thơ ghi công đức của ông và phu nhân.
Đền thờ có từ khi xây cất xong khu mộ, kiến trúc hiện nay của khu đền thờ là kiến trúc được xây dựng lại trong đợt trùng tu vào năm 1972; với kiến trúc chính điện là ngôi nhà tứ trụ truyền thống Nam bộ cùng hai dãy nhà phía Đông và phía Tây hai bên. Bên trong, tại Chính điện có bàn thờ Hội đồng ở giữa, phía trong là các án thờ Võ Di Nguy và người cháu ruột là Võ Di Thái được phong tước Bình Giang Bá, riêng án thờ Võ Di Nguy có bài vị khắc chữ Thần thếp vàng. Trong chính điện còn treo các bức hoành phi, liễn đối bằng chữ Nho thể hiện công trang của Võ Di Nguy.
Ngoài những vật dụng, linh vật thường thấy trong các đình, đền Nam bộ (tượng bạch mã, cặp hạc đứng trên rùa, lọng, thập bát binh khí...), đền còn lưu giữ 2 sắc phong của vua Minh Mạng năm thứ 13 (1832) đề ngày 11 tháng giêng âm lịch và ngày 14 tháng 12 âm lịch, truy phong tước phẩm, ghi trên lụa vàng, đựng trong hộp gỗ cuộn vải đỏ được đặt trong khám thờ. Đặc biệt, vì Võ Di Nguy là tướng thủy binh nên trong các vật thờ cũng có một thuyền rồng.
Đền thờ và mộ Võ Di Nguy là một công trình kiến trúc nghệ thuật có liên quan tới nhân vật lịch sử thời chúa Nguyễn. Đây là kiến trúc lăng mộ có tính chất uy nghi, độc đáo vào bậc nhất của các công thần thời Nguyễn ở Nam bộ. Công chúng tới đây có thể nhận thấy nhiều điều thú vị về cuộc sống và xã hội của con người trong quá khứ một thời ở đất Gia Định xưa. Lăng Võ Di Nguy được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 43-VH/QĐ ngày 07 tháng 01 năm 1993.
Theo Thanh Niên, sách Hành trình di sản văn hóa TP.HCM...
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét