(TQĐT) - Chiêm Hóa (Tuyên Quang) nổi tiếng với đặc sản bánh gai nhưng tại đây còn có thêm một loại bánh độc đáo, thơm ngon không kém gì bánh gai, đó là bánh củ chuối. Nói đến củ chuối, đặc biệt là củ chuối rừng ít ai ngờ nó có thể trở thành nguyên liệu để nấu ăn. Vậy nhưng với bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ vùng đất Chiêm Hoá, củ chuối dân dã đã đi vào ẩm thực xứ Tuyên như một nguyên liệu độc đáo để làm ra một món bánh thơm ngon, độc lạ nức tiếng từ lâu.
Bánh củ chuối bắt nguồn từ câu chuyện xa xưa về tấm lòng hiếu thảo của con cái. Cụ Hà Thị Chiêu, 90 tuổi ở thôn Bó Héo, xã Phú Bình kể lại: Xưa có một cô gái nghèo nổi tiếng ngoan ngoãn, hiếu thảo. Sắp tới ngày giỗ đầu của mẹ nhưng nhà rất nghèo chỉ còn chút gạo nếp ít ỏi không đủ để làm “pẻng tải” (các loại bánh nếp) hồi còn sống mẹ cô thích ăn. Một hôm đi rừng đào củ mài, củ chuối độn cơm, buồn rầu và mệt mỏi cô thiếp đi. Trong giấc mơ có bà tiên hiện về bày cho cô cách lấy củ chuối độn với bột gạo nếp để làm bánh giỗ mẹ.
Về nhà, cô lấy củ chuối với phần bột nếp ít ỏi còn lại trong nhà làm theo và được một thứ bánh thơm ngon, ngọt mát cúng mẹ. Cúng xong, cô đem phân phát cho bà con trong vùng cùng thưởng thức. Bị hấp dẫn bởi hương vị thơm ngon, ngọt mát và câu chuyện về lòng hiếu thảo của cô gái, bà con trong vùng đã học cách làm theo. Dần dà khi cuộc sống khấm khá hơn người dân địa phương làm bánh ngày càng ngon hơn, đặc sắc hơn.
Nguyên liệu để làm bánh củ chuối bao gồm bột gạo nếp, vừng, nhân bánh là đỗ xanh, dừa tươi, thịt mỡ, thêm một chút dầu chuối và đôi khi có thêm lạc. Củ chuối là một nguyên liệu vô cùng quan trọng để làm nên loại bánh đặc biệt này. Bà Lê Thị Giang, thôn Tạng Khiếc, xã Phú Bình chuyên làm bánh gai, bánh củ chuối cho biết, việc lựa chọn củ chuối để làm bánh phải hết sức kỹ lưỡng. Củ chuối phải là loại chuối rừng mà bà con ở đây gọi là “cuổi lộc”; còn một loại chuối rừng khác tên “cuổi khẻ” thì không dùng được vì củ nhỏ và có nhiều xơ; củ các loại chuối trồng ở nhà thì rất chát làm bánh sẽ không ngon.
Dulichgo
Bánh củ chuối được làm rất công phu với nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mẩn, tinh tế và cực kỳ khéo léo. Gạo nếp nương ngon, nếu không phải là nếp cái hoa vàng, không lẫn gạo tẻ và phải được ngâm qua nước ít nhất 6 tiếng để bánh mềm, dẻo và để được lâu ngày. Khâu làm củ chuối là khâu cực kỳ quan trọng và tốn nhiều thời gian nhất. Nào là băm nhỏ, ngâm nước tro, đun ít nhất 6 tiếng cho chín nhừ, rồi lại đem ra rửa kỹ, loại bỏ những xơ to và cứng sau đó lại băm thật nhuyễn.
Củ chuối sau khi băm nhỏ, xay mịn được đem xao với mỡ đến khi có mùi thơm và chuyển sang màu vàng thì đem canh với đường cho ngọt sắc sau đó để nguội hẳn mới đem trộn với bột nếp cho thật đều. Bột nếp trộn với củ chuối được chia thành nhiều phần và đem giã kỹ, càng giã kỹ bánh sẽ càng mịn và càng ngon hơn.
Dulichgo
Nếu như bánh gai khiến người ta mê đắm bởi vị ngọt đậm đà, béo ngậy thì bánh củ chuối lại khiến người từng được thưởng thức không thể nào quên được bởi mùi thơm đặc trưng và vị ngọt mát rất đặc biệt. Bà Giang cho biết thêm, bánh củ chuối thường được người dân các xã Phú Bình, Kiên Đài, Bình Phú, Yên Lập… làm nhiều vào dịp Rằm tháng bảy. Tới nhà nào trong vùng vào dịp này bạn cũng sẽ được mời thưởng thức món bánh dân dã, ngon và lạ này.
Ngày nay, bánh củ chuối đã thành một món ăn được nhiều người ưa chuộng. Bánh củ chuối được gửi đi nhiều tỉnh thành, vào cả miền Nam và thậm chí còn được gửi ra nước ngoài cho bà con xa quê.
Theo Hà Liên (Báo Tuyên Quang)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét