Làng chài Đăk Wơk Yốp
Làng tái định cư Đăk Wơk Yốp, xã Hơ Moong, H.Sa Thầy (Kon Tum) đang trở thành làng nghề đánh cá như... xứ biển.
Đến làng Đăk Wơk Yốp, chúng tôi thấy khắp làng chỗ nào cũng cá và lưới lấp lánh dưới nắng oi bức. Ngỡ dân làng xứ này chỉ kiếm vài con cá về cải thiện, ai ngờ anh cán bộ xã ở đây bảo: “Bán buôn hẳn đó, nghề phụ nhưng rồi thành thu nhập chính, mỗi ngày một người kiếm được vài trăm ngàn”.
Lân la hỏi chuyện A Nủi, mới hay hơn 10 kg cá sáng nay là anh đi gỡ lưới từ tờ mờ sáng. Gồng cánh tay đen chắc nịch cho chiếc ghe nhỏ vào đậu sát bờ, A Nủi chỉ cho khách xem những con cá chép, mè đầy sàn, nói: “Dạo này cá nhiều lắm!”, rồi chỉ về hướng hồ nước, hàng chục ghe đang đi vào thấp thoáng trong nắng sớm...
Khi xe máy chở cá về đến nhà, tiếng còi xe tải của người mua cá đã inh ỏi trước sân, A Nủi không kịp uống nước đã tranh thủ mang cá ra bán, “chứ mọi người mang cá đến đông phải đợi lâu lắm”, A Nủi phân trần.
< Đẽo ghe ở Đăk Wơk.
Theo chân A Nủi ra ngoài, chúng tôi thấy hàng chục người đã bày cá ra bán. Ông Đức, ở xã Kroong (TP.Kon Tum) bảo sáng nào cũng đến mua cá tận làng này, hôm thì vài tạ, có hôm thì hơn nửa tấn. Theo lời ông Đức, người "sát" cá nhất làng là A Oác, mỗi ngày kiếm 500.000 đồng, còn dân làng thì vài trăm ngàn đồng/ngày.
Dulichgo
A Oác cho hay để đánh lưới, dân làng đi từ chiều hôm trước, đến khoảng 4 - 5 giờ hôm sau thì gỡ lưới rồi chèo thuyền về bán thẳng cho thương lái về tận làng mua cá. Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi còn chứng kiến cả người khuyết tật cũng kiếm được tiền từ cá. Đó là A Thuyên (23 tuổi), tay trái bị tật, nhưng anh vác trên vai một lưới cá nặng trịch đến cân. Anh khoe dù tật nguyền nhưng vẫn cố gắng đánh bắt cá kiếm tiền, mỗi ngày được 250.000 - 400.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, cho biết từ nhiều năm nay, tận dụng nguồn nước lòng hồ thủy điện Plêi Krông, người dân trên địa bàn xã đã khai thác nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, với người dân xã Đăk Wơk Yốp, việc đánh bắt cá chỉ mới diễn ra khoảng 2 năm trở lại đây. Những ngày đầu, chỉ có vài hộ đánh bắt cá, nhưng giờ thì 90% hộ dân ở đây đánh cá, nhà ít thì 2 - 3 tay lưới, còn nhiều 6 - 7 tay lưới. "Ban đầu, dân bán cá không được, cán bộ UBND xã đứng ra mua, sau bọn tôi đi mời người thu mua cá về mua trực tiếp, bà con đánh bắt nhiều hơn", ông Niệm nói.
Để giúp người dân đánh cá, UBND H.Sa Thầy hỗ trợ tiền mua lưới và hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ. Từ đó, bà con góp thêm tiền đầu tư mua lưới để phát huy hiệu quả việc đánh cá. Như A Nủi đã bỏ ra 5 triệu đồng để mua 14 tay lưới đôi về đánh bắt. “Nhà có 3 người đi đánh cá, dự định sẽ mua thêm 6 tay lưới nữa”, A Nủi khoe. Ngoài ra, các thương lái ở đây cũng cho dân mượn tiền mua lưới để họ bán cá cho mình. Điển hình như ông A Thuy mượn tiền mua 14 tay lưới; nhà A Tan mượn tiền mua được 15 tay lưới để đánh bắt.
< Hồ thủy điện Plêi Krông.
Theo ông Niệm, đến nay làng có 50 hộ, có trên 90% số hộ trong làng với chừng 150 người tham gia đánh cá được chính quyền đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ mua lưới, dụng cụ đánh bắt. “Ngoài trồng cà phê và các loại cây trồng khác thì nghề đánh cá của dân làng Đăk Wơk Yốp cho thu nhập cao hơn và ổn định, đời sống bà con ngày càng khấm khá hơn”, ông Niệm cho biết.
Bà Trần Thị Tuyết Sương, một người thu mua cá, cho biết đã đặt điểm mua cá ngay tại làng Đăk Wơk Yốp một năm nay. Không như những người khác, ở đây ai đem cá đến giờ nào bà thu mua giờ đấy, nhưng mọi người thường tập trung bán vào buổi sáng. Mỗi ngày bình quân bà Sương bỏ ra khoảng 4 - 5 triệu đồng tiền vốn mua cá của bà con. Theo bà Sương, mùa nào thức nấy, bà con ở đây đánh bắt cá quanh năm với cá thát lát, cá rô phi, mè, trắm cỏ... trong đó, cá thát lát giá từ 70.000 - 80.000 đồng/kg, cá rô phi 30.000 - 35.000 đồng/kg; cá chép được thu mua với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Làng chài trên núi ở Lâm Đồng
< Những hộ dân tại đây thường làm nhà quay mặt ra đập thủy điện để thuận lợi cho việc nuôi cá.
Dulichgo
Vượt nhiều kilomet đường dốc quanh co chúng tôi đến làng chài trên núi thuộc huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Khi đến nơi được tận mắt chứng kiến cảnh hùng vĩ giữa núi rừng bạt ngàn cùng hơn 30 nóc nhà chênh vênh trên mặt nước mênh mông.
Làng chài nhỏ nằm dưới chân một dãy núi lớn, hướng về mặt nước mênh mông là nơi sinh sống của hơn 30 hộ gia đình. Trước đây họ sinh sống dựa vào đất đai canh tác các loại cây trồng trên ruộng đất của mình. Tuy nhiên khi công trình thủy điện ngăn sông đắp đập, đất đai bị giải tỏa hết thay bằng hồ nước mênh mông bát ngát. Nhiều gia đình nhận tiền giải tỏa khăn gói đi nơi khác làm ăn. Số ít ở lại gây dựng sự nghiệp trên mảnh đất mà mình đã gắn bó từ lâu.
Anh Hùng, người đang sinh sống trong làng chài cho biết: "Lúc giải phóng mặt bằng gia đình tôi cũng nằm trong diện giải tỏa lấy mặt bằng làm thủy điện. Nhiều người bỏ quê ra đi nhưng tôi và một số gia đình ở lại thay đổi nghề sinh sống. Cũng có nhiều hộ dân chuyển đến từ các vùng đất khác lên đây nuôi cá kiếm tiền sống qua ngày".
< Cảnh các ngư dân thực hiện công việc thường ngày.
Gia đình anh Hùng là một trong hơn 30 hộ dân sinh sống trên mặt hồ thủy điện Đồng Nai 3 bằng nghề nuôi cá lồng. Các loại cá được nuôi tại đây chủ yếu là cá lóc, cá bống, cá lăng. Một năm bình quân các hộ dân tại đây nuôi được 2, 3 vụ, cứ sau mỗi vụ ngư dân lại dọn dẹp lồng nuôi, sau đó kiếm một loại cá thích hợp nuôi ngay. "Do nguồn nước khá sạch, cá ở đây nuôi nhanh lớn thịt cũng tươi ngon nên thu nhập cũng khá. Mỗi năm nuôi 2,3 vụ cá trừ hết chi phí cũng lãi được hơn 100 triệu" - anh Hùng cho biết.
Dulichgo
Tại đập thủy điện Đồng Nai 3, không chỉ có những người sống bằng nghề nuôi cá lồng mà còn khoảng hơn 100 người bám thủy điện bằng cách đánh bắt cá tự nhiên. Lòng hồ rộng lớn, nguồn nước sạch là nơi sinh sống của rất nhiều loại cá khác nhau như cá bống, cá mè, rô phi, cá lóc, tôm tép...
< Ngư dân nuôi tôm, cá để mưu sinh.
Anh K`Bỡm, đồng bào dân tộc Cơ Ho đã có nhiều năm đánh bắt trên các đập thủy điện cho biết: “Mọi người thường đi đánh bắt vào ban đêm, ở đây chủ yếu là đánh bắt bằng lưới và thả câu, nguồn nước tốt nên cá cũng nhiều. Cứ đêm đến các ngư dân tại đây lại lên những con thuyền buôn lưới "Ra khơi" đánh bắt. Sau một đêm mệt nhoài đánh bắt, tàu thuyền trở lại với những khoang cá đầy. Sau một đêm vất vả trừ hết chi phí xăng cộ đi tôi vẫn còn dư khoảng 2 ,3 trăm ngàn".
Nguồn tôm cá tại đây cung cấp cho huyện Di Linh và các vùng lân cận. Cứ 5 giờ sáng mỗi ngày, các thương lái bắt đầu thu mua cá của ngư dân, người bán kẻ mua trong cái mùi tanh nồng của cá khiến người khác nghĩ rằng đây đích thực là làng chài ven biển. Vì là cá tự nhiên chất lượng thịt tốt nên giá bán cá cũng khá cao.
< Người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá.
"Cá chính là nguồn sống của gia đình tôi, tiền bạc thu được từ việc đánh bắt cũng phần nào giúp tôi trang trải cuộc sống" - anh Bỡm cho biết thêm.
Chia tay làng chài chúng tôi không quên thưởng thức vị ngon của cá tự nhiên, thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng, ngồi bên bếp lửa chập chờn giữa mênh mông trời nước cũng thấm thía được sự an bình của "Làng chài trên núi".
Theo Thanh Niên + Người Đưa Tin
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét