(TPO) - Trong tiết trời bàng bạc lạnh những ngày cận Tết đất Hà thành bất ngờ gặp chiếc khăn vuông xanh đỏ mà những thiếu nữ dân tộc Mông, Ráy, Xa Phó... thường vấn khéo léo trên đầu, lại thấy xốn xang những lần đi qua, lang thang phiên chợ rực rỡ sắc màu vùng cao, biên viễn Tây Bắc bồng bềnh mây.
< Chợ cửa khẩu mốc 358 Bạch Đích được mở vào ngày Thân, ngày Dần theo lịch âm hàng tháng.
Không nổi tiếng và sầm uất như chợ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh), Lao Bảo (Quảng Trị)... nhưng những phiên chợ được họp bên những cột mốc biên giới ở Điện Biên, Hà Giang luôn có sức gọi mời, cuốn hút. Giữa khung cảnh hùng vĩ điệp trùng mây núi quan ải, mỗi phiên chợ nơi đây là một ngày hội của đồng bào các dân tộc, người dân hai bên đường biên giới.
Chợ phiên bồng bềnh mây
Trong hành trình mang lá cờ Trường Sa lên tặng chiến sỹ đồn biên phòng A Pa Chải (xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên), người viết có dịp ghé thăm khu chợ ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Trung Quốc, đúng dịp tết của người dân tộc Hà Nhì. Phiên chợ được mở ngay tại điểm nối A Pa Chải (xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên) - Long Phú (huyện Giang Thành, Vân Nam, Trung Quốc), gần cột mốc số 3 giữa biên giới Việt Nam–Trung Quốc. Cột mốc số 3, được xác định chủ quyền từ năm 2001, màu trắng xám có chiều cao 1,2m, dày 3cm. Nhìn từ cột mốc số 3, Trạm kiểm soát biên phòng A Pa Chải vững chãi với tòa nhà hai tầng khang trang nổi bật giữa núi rừng.
< Hàng bún phở nghi ngút ở chợ phiên Bạch Đích.
Dulichgo
Theo giới thiệu của chiến sỹ đồn biên phòng A Pa Chải, chợ được thành lập từ năm 2010, mở phiên họp vào các ngày 3, 13 và 23 dương lịch hằng tháng, cũng là những ngày mở lối cửa khẩu. Mỗi phiên chợ thường họp từ sáng sớm đến 5 giờ chiều. Để phiên chợ diễn ra an toàn và đảm bảo công tác an ninh quốc phòng, mọi người đều phải qua trạm kiểm soát của Đồn Biên phòng A Pa Chải và trình giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc sổ hộ khẩu. Phương tiện được gửi tại khu vực riêng và có các chiến sỹ trông coi cẩn thận, miễn phí.
Chợ biên giới A Pa Chải - Long Phú có diện tích rộng so với mật độ dân cư còn thưa thớt. Các sạp hàng, cũng như cương thổ của hai quốc gia phân biệt bằng vạch bê tông rộng 60cm. Hàng quán được dựng khá đơn sơ, cũng chia ra từng ô nhỏ bày bán các mặt hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của nhân dân khu vực vùng biên. Những cửa hàng tạp hóa chủ yếu bày bán bánh kẹo, thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, chè Tân Cương, cao Bạch Hổ...
Đồng bào dân tộc các bản ở xã Sín Thầu mang đến chợ nông sản tự sản xuất được như gạo nếp, gạo đỏ, gà, thảo quả; nông cụ tự rèn dao, cuốc, lưỡi cày của người Hà Nhì. Đây cũng là những mặt hàng được nhiều người Trung Quốc thường tìm mua. Bên phía Trung Quốc, mặt hàng bày bán chủ yếu là đồ gia dụng, điện tử, giày dép quần áo... Không chỉ có người Việt và người Trung Quốc, đến chợ mua sắm còn có người Lào, dù sinh sống ở những bản khá xa chợ.
Trong không khí giao hảo thông thương, chúng tôi đến một cửa hàng của chị người Trung Quốc sát mép đường bê tông, hỏi mua chiếc ô, thử cảm giác đi chợ vùng biên. Dùng tay chỉ mặt hàng và bấm máy tính trả giá, tính tiền hoặc dùng tiền của mỗi nước để ra ký hiệu là chuyện bình thường ở chợ vùng biên. Một cái gật đầu và nụ cười tươi rói giữa chủ và khách đánh dấu sự kết thúc của cuộc mua bán.
Cũng được mở phiên họp gần cột mốc biên giới Việt Nam – Trung Quốc, có chợ Cửa khẩu Mốc 358 Bạch Đích (xã Bạch Đích, huyện Yên Minh, Hà Giang). Đến nay đã nhiều dịp đến chợ mốc 358, nhưng sự háo hức vẫn nguyên vẹn như lần đầu tiên lên chơi chợ những ngày xuân 2012. Sau khúc cua, khu nhà kiên cố lợp mái tôn khang trang dần hiện lên qua cửa kính chiếc xe u-oát của Đồn Biên phòng Bạch Đích. Trên con đường sương uốn lượn cheo leo sườn núi, nổi bật từng tốp người xúng xính váy áo rực rỡ sắc màu dập dìu từ các bản trên núi xuống, bản dưới thung lũng lên; vang tiếng xe máy, vó ngựa thồ hàng đến chợ.
< Du khách đến phiên chợ vùng biên còn được gặp những cột mốc chủ quyền. Trong ảnh là cột mốc 358 Bạch Đích, Hà Giang.
Dulichgo
Theo giới thiệu, đây là khu chợ duy nhất phục vụ nhân dân 8 thôn bản thuộc xã Bạch Đích, cũng là chợ phiên duy nhất cho người dân giáp biên thuộc huyện Ma Ly Pho, Trung Quốc sang giao lưu mua bán. Thêm nữa, nhiều lái buôn ở các chợ khác thuộc huyện Yên Minh và các huyện lân cận cũng đến thu mua hàng hóa, trao đổi đã góp phần tạo nên sự nhộn nhịp của phiên chợ. Chợ được mở vào ngày Thân, ngày Dần theo lịch âm hàng tháng.
Chen chân chơi chợ, nhiều thành viên trong đoàn báo chí chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đa dạng của sản phẩm bày bán, từ hàng nông cụ, nông sản, sản phẩm thủ công truyền thống, đến hàng điện tử, máy móc sản xuất nông nghiệp, phân bón... Những hàng ăn góc chợ nghi ngút khói, phụ nữ trẻ nhỏ xì xụp những tô bún, phở nóng hổi; đàn ông khề khà bên chén rượu ngô, mời nhau bát thắng cố. Góc bày bán đồ nữ trang, đồ dùng gia đình, vải, sợi rộn ràng các bà các cô người dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, La Chí... xúng xính váy áo. Một góc khác, người bán rượu ngô bận rộn với việc chắt rượu từ can sang chai cho khách. Mỗi lần nhớ lại cảm giác xì xụp tô phở nóng béo ngậy, nhâm nhi hương vị cay cay khê nồng đặc trưng của rượu ngô giữa cái lạnh tê tái vùng biên viễn và ánh mắt tò mò của những người xung quanh mà thèm!
Sắc màu
Nơi vùng cao, biên ải quan san chất ngất mây núi Tây Bắc, mỗi phiên chợ tựa như lễ hội sắc màu, với nhiều hoạt động trao đổi mua bán và giao lưu. Đâu chỉ có váy áo, mũ khăn xúng xính trên người đến chợ mà cơ man sắc đỏ đen tím hồng vàng của thổ cẩm, nữ trang, cuộn lanh, chỉ thêu và nông sản, sản vật núi rừng. Đến chợ là những người dân địa phương. Với đồng bào vùng cao, cái mặc có thể chưa đủ ấm, tiền chưa đủ tiêu, nhưng không thể thiếu mặt trong ngày chợ phiên.
Không chỉ trao đổi những sản phẩm tự sản xuất, mua về những thứ không thể tự làm ra, những phiên chợ còn là dịp gặp gỡ trò chuyện của người dân sau những ngày lao động vất vả; lần hẹn hò của những đôi trai gái đã bén duyên nhau. Chẳng thế mà đến chợ phiên vùng cao nơi đâu cũng dễ câu hát trong bài “Chợ phiên Lai Châu”: Đỉnh đèo đội trời, chân đồi đạp suối, sáng mở cửa gặp núi, đêm kê gối bằng rừng. Ngày gùi nắng trên lưng. Vui... tưng bừng phiên chợ... Bước tới phiên chợ đông, má em gọi nắng hồng. Bước tới phiên chợ đông, váy hoa mừng tung tấy.
Chợ phiên vùng cao thường được mở định kỳ vào thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần, nhưng cũng có nơi định thời gian họp khác. Chẳng hạn, chợ phiên Lũng Phìn, Sà Phìn, Phó Bảng, Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) được tính lùi lại các thứ trong tuần, ví dụ, tuần này họp ngày chủ nhật, tuần sau sẽ là thứ bảy, tuần sau nữa là thứ sáu. Hoặc chợ phiên A Pa Chải (Điện Biên) cố định phiên vào các ngày 3,13,23 dương lịch hàng tháng. Chợ thường được họp bên đường hay khoảnh đất bằng tương đối bằng phẳng lưng chừng núi. Dọc từ đầu đến trung tâm chợ bày bán nông cụ, nông sản, sản phẩm tiêu dùng; hàng quán ăn uống. Khu cuối chợ luôn là nơi bán gia súc, gia cầm. Trâu bò, dê, lợn đều được người dân buộc dây thừng dắt đến chợ. Đây là khu vực nhộn nhịp, ồn ã nhất chợ với tiếng chào hàng, ngả giá giữa người mua kẻ bán và tiếng kêu của động vật.
Dulichgo
Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, phiên chợ vùng cao càng thêm nhộn nhịp, rực rỡ sắc màu gấp bội những ngày chợ trong năm. Phiên chợ ngày Tết còn có nhiều hoạt động vui chơi truyền thống của các dân tộc; biểu diễn văn nghệ giải trí lẫn giao duyên. Đầu núi hoa ban, hoa mận đã nở trắng rừng, phiên chợ ngày xuân đã tới cho miệng em cười, áo em rực rỡ...
Theo Mai Xuân Tùng (Tiền Phong)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét