Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Hai cây lim chứng tích về chiến thắng Bạch Đằng

(VNE) - Sử sách ghi lại, hai cây lim giếng Rừng hơn 700 tuổi là chứng tích còn lại trong khu rừng vốn được quân và dân nhà Trần chặt để làm cọc trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông năm 1288.

Hai cây lim giếng Rừng nằm dưới chân núi Tiên Sơn, phường Quảng Yên (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) được nhà chức trách xác định khoảng 700 tuổi. Hai cây cổ thụ cùng các địa danh như: Bến Rừng, chợ Rừng... là những dấu tích của khu rừng cổ mà quân và dân nhà Trần đã lấy gỗ dựng trận địa cọc, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Bạch Đằng oanh liệt ngày 8/3 năm Mậu Tý 1288.

Bên cạnh hai cây lim cổ có hai giếng nước được xây từ thời Pháp, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây nên được gọi là hai cây lim giếng Rừng. Hiện hai giếng được xây xung quanh, lát gạch sạch sẽ và có nắp đậy.
Dulichgo
"Nước ở hai giếng ngọt, sạch sẽ, trước đây phục vụ sinh hoạt cho cả khu dân cư. Nhưng bây giờ nhà nào cũng có nước máy nên ít người còn lấy nước giếng. Hai cây lim phát triển tốt cũng nhờ có hai giếng cung cấp nước tưới cây", chị Lan nhà gần đó cho biết.

Hai cây lim giếng Rừng được Bộ Văn hóa công nhận là di tích cấp quốc gia năm 1998 và thuộc cụm di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của khu di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là di tích quốc gia đặc biệt.

Do thời gian và sự phát triển đô thị nên hai cây lim giờ nằm giữa trung tâm của thị xã Quảng Yên. Một cây cao khoảng 30 m, chu vi gốc 5,5 m, cành lá xum xuê, xanh tốt, tán lá vươn dài tới 20 m.

Cây thứ hai to hơn, cao khoảng 30 m, đường kính gốc tới 7,2 m, tán lá xanh tốt vươn dài tới 25 m. Nhờ bóng râm của cây, nơi đây trở thành chỗ vui chơi của trẻ nhỏ và người già tập thể dục.
Dulichgo
Lớp vỏ ngoài dưới gốc cây thi thoảng lại bong tróc thành từng miếng lớn. Lim giếng Rừng nằm gần dòng sông Bạch Đằng, sát nơi xảy ra trận chiến Bạch Đằng năm 1288 và cách bãi cọc Yên Giang đã được khai quật khoảng 2 km.

Ông Ngô Đình Dũng, Phó phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Quảng Yên, cho biết hai cây lim giếng Rừng là chứng tích còn lại trong khu rừng lim, vốn được quân và dân nhà Trần chặt để làm cọc trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông ngày 8/3 năm Mậu Tý 1288.

Ông Dũng thông tin thêm, theo sử sách, quân và dân ta đã đánh thắng quân xâm lược phương Bắc hùng mạnh đều bằng các cây cọc gỗ cắm xuống lòng sông Bạch Đằng.
Dulichgo
Đó là chiến thắng Bạch Đằng năm 938, chiến thắng Bạch Đằng năm 981 và đỉnh cao là chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo đã khẳng định sức mạnh không thể lay chuyển được của quân dân Đại Việt, phá tan âm mưu cướp nước ta của quân xâm lược Nguyên Mông.

Chỉ trong một ngày 8/3/1288, toàn bộ đạo binh thuyền của quân xâm lược Nguyên Mông trên đường rút ra khỏi Đại Việt qua đường sông Bạch Đằng gồm 600 chiến thuyền, khoảng 40.000 quân, đã bị tiêu diệt và bắt sống.

Năm 2008 và 2011, hai cây lim có biểu hiện khô lá do đợt rét kỷ lục. Thị xã Quảng Yên cứu cây bằng cách cắt tỉa cành khô, tưới hoá chất sinh trưởng và bổ sung chất dinh dưỡng.

Di tích bãi cọc Yên Giang, thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên nằm ở cửa sông Chanh có hình chữ nhật dài khoảng 120 m, rộng khoảng 20 m. Sau lần khai quật đầu tiên vào năm 1958 và nhiều lần sau đó vào các năm 1969, 1976, 1984, 1988... cho thấy cọc ở đây chủ yếu là gỗ lim dài 2,6-2,8 m, đường kính 20-30 cm. Phần cọc được đẽo nhọn dài 0,5-1 m để cắm thẳng xuống sông với khoảng cách trung bình một m. Hiện bãi cọc này được khoanh vùng bảo vệ, dựng bia giới thiệu di tích.

Cọc trưng bày ở Bảo tàng thị xã Quảng Yên. "Hiện đã phát hiện và khai quật bãi cọc Yên Giang thuộc phường Yên Giang, hai bãi cọc Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa thuộc phường Nam Hòa", ông Dũng thông tin.

Theo Minh Cương (Vnexpress)
Du lịch, GO!
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét