(HQO) - Chúng tôi đến chợ phiên Cao Sơn (Lào Cai) vào dịp cuối năm. Trong cái rét của vùng sơn cước, giữa trập trùng đồi núi, khu chợ phiên này giống như bông hoa rừng mộc mạc, chân chất nhưng thanh sắc của nó lại rất rộn ràng, nồng ấm, góp phần xua tan cái lạnh giá của vùng biên ải.
Từ trung tâm huyện Mường Khương (Lào Cai), mất gần 2 tiếng đồng hồ để vượt qua quãng đường dài 20 km, đường nhỏ, hẹp với những con dốc quanh co, vắt vẻo lưng chừng núi, qua các xã Nấm Lư, Lùng Khấu Nhin, chúng tôi đến với Cao Sơn. Ở độ cao 1.400m so với mặt nước biển, Cao Sơn là nơi quanh năm mây mù bao phủ. Suốt chặng đường lên với Cao Sơn, một bên là vách núi, một bên là vực sâu hun hút, nhiều lần xe phải đi trong màn sương trắng huyền ảo khiến những người dưới xuôi lên như chúng tôi phải nín thở vì… sợ.
Nhưng vẻ đẹp hoang sơ của những ngọn núi cao trùng điệp, hay những thung lũng bình yên trải đầy nắng vàng hanh hao, những triền núi, triền đồi được bao phủ bởi chè và dứa, những cây sa mộc cao lớn mọc thẳng đứng dọc đường đã nhanh chóng hút hồn du khách.
Dulichgo
Dọc con đường về chợ phiên Cao Sơn, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những người dân tộc đang trên đường đến chợ, họ gùi trên lưng hay chở trên xe những sản vật của địa phương. Chợ phiên Cao Sơn là khu chợ của đồng bào dân tộc H’Mông, Phù Lá, Dao và Hán đen sinh sống xung quanh khu vực này. Chợ có từ lâu đời, được họp đều đặn vào thứ Tư hàng tuần. Không giống như các chợ phiên vùng cao khác, chợ Cao Sơn họp khá muộn, tầm 8-9 giờ sáng và tàn chợ vào khoảng 3h chiều.
Chúng tôi đến chợ Cao Sơn khi chợ phiên đang vào lúc đông vui nhất. Nổi bật nhất trong chợ phải kể đến những gian hàng bán đồ thổ cẩm, nơi có từng tốp người mua bán tấp nập. Nằm gần như chính giữa chợ, những gian hàng này thực sự thu hút mọi ánh nhìn cũng như sự quan tâm của không chỉ du khách mà còn của những người dân nơi đây. Chúng tôi mê mải ngắm nhìn hình ảnh những cụ già mân mê từng thớ vải của chiếc áo màu sắc sặc sỡ, những cô gái đang hớn hở lựa chọn cho mình những chiếc váy mới, hay được thỏa sức ngắm nhìn các chàng trai, cô gái dân tộc xúng xính với những bộ váy áo truyền thống rực rỡ sắc màu, những đường nét hoa văn tinh tế, trên đầu là những chiếc ô xòe rộng xinh xắn tạo nên bức tranh sinh động của một phiên chợ vùng cao, là điểm nhấn giữa không gian bao la, mênh mông của núi rừng.
Chị Sùng Chu, người dân tộc H’Mông tại xã Cao Sơn vừa tận tình chỉ dẫn cho khách về những mẫu váy mới, vừa tranh thủ giới thiệu về những bộ trang phục của người H’Mông. Những chiếc váy hình nón cụt với phần thân váy được xếp nếp và xòe rộng, những chiếc áo có cổ lật ra phía sau gáy đặc trưng của người H’Mông, khăn quấn đầu, xà cạp... đi cùng với những dải tua rua trang trí bằng hạt cườm khá đẹp mắt, những chiếc vòng bằng bạc được gắn những chiếc chuông bé xíu... tất cả tạo nên sự sinh động cho gian hàng của chị. Chị cho biết, gần tết Âm lịch, vào khoảng đầu tháng Chạp, người ta mới bán nhiều bộ váy áo truyền thống được làm thủ công đắt tiền để mọi người mua diện Tết.
Bên cạnh những sạp hàng bán đồ thổ cẩm, chợ Cao Sơn còn là nơi trao đổi, mua bán những vật dụng hằng ngày làm từ mây tre đan, đồ khảm bạc, đồ rèn đúc phục vụ cho đời sống, lao động của người dân nơi đây như gùi tre, lưỡi cày, dao quắm, chổi quét nhà… cũng như những sản vật của địa phương và các vùng lân cận như gà đen, rượu thuốc lào, mộc nhĩ, rượu ngô, rượu thóc, các loại củ quả như gừng, nghệ, ớt Mường Khương, thảo quả, mật ong..., những món ăn đặc trưng của vùng cao như thắng cố, phở làm từ nếp nương... hay những món quà vặt được bán ở khu ẩm thực.
Dulichgo
Những người dân ở đây cho chúng tôi biết, đêm trước ngày chúng tôi lên chợ phiên Cao Sơn ở đây trời mưa to, do đó chợ phiên không thật sự đông đúc như nó vốn có. Những ngày thường, đặc biệt, vào dịp tết Nguyên đán, chúng tôi sẽ được thưởng thức thêm những món ăn hấp dẫn như xôi bảy màu, bánh chưng đen, bánh ngô, bánh khúc... và vô số các sản vật của địa phương. Nhưng có lẽ ai đã đến chợ Cao Sơn sẽ không quên được hình ảnh những sạp mía đầy ắp ngay từ đầu chợ. Được biết, mía là món ăn cực kỳ được yêu thích ở Cao Sơn. Loại mía Mường Khương có màu hồng tím, gióng dài, có vị ngọt đậm đà đặc trưng của vùng đất này. Hầu như ai đến chợ ít nhiều cũng phải mua một ít mía, thậm chí mua cả bó, vì thế khu vực này không lúc nào ngớt khách.
Chị Giàng Chanh đến từ xã La Pán Tẩn cho biết, vì chợ chỉ họp mỗi tuần một phiên nên ai ai cũng mong ngày họp chợ. Nhưng người bán cũng như người mua, đến chợ nhiều khi chẳng vì mua - bán mà để được vui, vì thế phiên chợ này giống như liều thuốc tinh thần, là nơi để người bán người mua được gặp gỡ nhau, giao lưu, chuyện trò và kết bạn...
Dulichgo
Một người đàn ông dân tộc có vẻ bề ngoài hiền hậu thu hút sự chú ý của chúng tôi ngay khi nhìn thấy, ông Lùng Dín. Ông đến chợ với chỉ một thúng ớt cay, loại ớt đặc sản của đất Mường Khương, vị cay và thơm nồng chỉ ăn một lần là nhớ mãi.
Trong tiết trời giá rét của những ngày cuối năm, người đàn ông này ngồi lặng lẽ ngắm nhìn dòng người qua lại, gần như ở ông không có cái vội vã của người đang cần bán mua. Sự tĩnh lặng, thư thả của ông khiến cho người ta có cái cảm giác ông đến chợ chỉ đơn giản là để được đắm chìm vào không gian thân thuộc này.
Từ lâu, chợ Cao Sơn được biết đến bởi sự bình dị, gần gũi. Đến chợ, người ta không thấy có sự ồn ào, bon chen hay vội vã, không có cảnh mời chào, níu kéo du khách giống như những khu chợ vùng cao phần nào đã bị thương mại hóa. Cái chân chất, mộc mạc của người vùng cao được thể hiện trong nhịp sống của khu chợ này. Có lẽ chính vì thế chợ Cao Sơn được đánh giá là một trong những chợ phiên của huyện Mường Khương vẫn còn giữ được nét bản sắc độc đáo, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách trong nước cũng như nhiều du khách nước ngoài.
Theo Hoài Anh (Báo Hải Quan)
Du lịch, GO!
Lên vùng cao
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét