(BCT) - Cầu đi bộ Cần Thơ nối từ bến Ninh Kiều sang cồn Cái Khế, có kinh phí đầu tư gần 50 tỉ đồng. Cầu dài gần 200m, rộng 7,2m, thiết kế hình chữ S, có hệ thống đèn led trang trí nhiều màu sắc.
Từ khi đưa vào sử dụng, cầu đi bộ thu hút rất đông du khách đến tham quan, chụp ảnh. Ngày 10-3, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) TP Cần Thơ và UBND quận Ninh Kiều tổ chức tọa đàm "Khai thác, quảng bá, tạo sản phẩm du lịch mới trên cầu đi bộ Cần Thơ" nhằm đưa cầu đi bộ trở thành điểm nhấn cho du lịch Cần Thơ.
Điểm đến mới
Theo Sở VH, TT & DL TP Cần Thơ, tuy chỉ mới đưa vào hoạt động hơn 1 tháng, nhưng cầu đi bộ trở thành một trong những điểm thu hút khách đông nhất Cần Thơ. Mỗi ngày cầu đi bộ có khoảng 5.000- 10.000 lượt khách tham quan, đông nhất từ 17 giờ- 24 giờ. Đặc biệt vào dịp lễ, Tết, cầu đi bộ thu hút khoảng 15.000 lượt khách/ ngày.
Cầu có thiết kế hiện đại, ấn tượng với mặt cầu cách điệu uốn lượn hình chữ S, hai đài sen cách điệu duyên dáng trên bề mặt thân cầu ở hai đầu. Hệ thống đèn led trên cầu rực sắc màu về đêm thể hiện vẻ đẹp năng động, hiện đại; hoa được điểm tô bên ngoài lan can…
Từ trên cao nhìn xuống, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp trọn vẹn hữu tình của sông nước Cần Thơ, phía xa xa cầu Cần Thơ vững chãi, những hàng cây xanh mướt, ghe tàu ngược xuôi. Vẻ đẹp đó càng thêm thơ mộng nếu du khách tản bộ từ bến Ninh Kiều sang khu Biển Cần Thơ đến bến phà cũ.
Chị Minh Tuyết (ngụ Vĩnh Long) cho biết: "Từ cầu đi bộ, tôi có thể ngắm cầu Cần Thơ một cách trọn vẹn. Đứng trên cầu đi bộ, gió mát, bối cảnh chụp hình rất đẹp. Tuy nhiên, đến đây, chúng tôi chỉ ngắm cảnh, chụp ảnh rồi ra về thì rất tiếc". Cầu đi bộ cũng thu hút đông đảo khách quốc tế đến tản bộ, ngắm cảnh. Du khách Pháp Arnault nói: "Ở đây thoáng mát, phong cảnh đẹp. Tôi nghĩ nếu trồng thêm cây xanh để tạo bóng mát thì sẽ tốt hơn. Đoạn sông này êm đềm, nước không chảy xiết, nếu được xuống chèo ghe, ngắm cầu thì càng thích". Dulichgo
Cầu đi bộ càng khiến du khách hiếu kỳ khi một thời gian (ngày lễ tình nhân 14-2, Quốc tế phụ nữ 8-3) những chiếc khóa tình yêu đủ mọi hình dáng, màu sắc được các cặp tình nhân khóa trên lan can cầu. Từ đó, cầu đi bộ Cần Thơ còn được gọi là cầu "Tình yêu". Sau đó, những chiếc khóa này đều bị tháo gỡ, tạo nên làn sóng dư luận giữa việc cho phép hay cấm khóa tình yêu trên cầu đi bộ. Không những thế, từ khi cầu đi bộ hoạt động, nhiều vấn đề phát sinh về cảnh quan môi trường, bến bãi giữ xe, các dịch vụ, sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL TP Cần Thơ, cho biết: "Trước thực trạng này, chúng tôi tổ chức tọa đàm để lấy ý kiến, tìm các giải pháp để giải quyết các vấn đề cấp bách; đồng thời xây dựng kế hoạch lâu dài nhằm hoàn thiện các công trình, bổ sung các cảnh quan, dịch vụ, sản phẩm du lịch để cầu đi bộ trở thành điểm nhấn du lịch Cần Thơ".
Để cầu đi bộ hấp dẫn hơn
Cầu đi bộ nằm trên cung đường ven sông thú vị, từ bến Ninh Kiều đến Biển Cần Thơ, bến phà cũ (đường Trần Phú). Trong đó, bến Ninh Kiều- Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL năm 2015, là hệ thống công trình rất độc đáo, gắn liền với lịch sử phát triển của Cần Thơ và nhiều công trình nổi danh khác của thành phố: Tượng đài Bác Hồ, nhà lồng Chợ cổ, đèn ba ngọn, chùa Ông… Nhiều nhà quản lý, kinh doanh du lịch đều đồng tình, cần phải tổ chức thêm dịch vụ, hoạt động, sản phẩm du lịch để cầu đi bộ trở thành điểm đến mới, lạ và ấn tượng tại Cần Thơ.
Ông La Minh Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ, cho rằng: "Theo tôi, nên cho phép gắn ổ khóa tình yêu trên cầu để tạo điểm nhấn, quan trọng là biện pháp quản lý. Nên quy định nơi gắn ổ khóa. Thêm vào đó, nên tổ thức các dịch vụ thuyền du lịch nhỏ để đưa du khách khám phá con đường sông từ bến Ninh Kiều, đến cầu đi bộ, cầu Cái Khế". Trong khi đó, theo ông Đinh Hiếu Nghĩa, Giảng viên Khoa Lữ hành, Trường Cao đẳng nghề Du lịch Cần Thơ, nên xác định cầu đi bộ là điểm nhấn trong trục đi bộ từ bến phà xóm Chài đến bến phà cũ.
Nơi đây cần tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật: biểu diễn đường phố, đờn ca tài tử, hò Cần Thơ…; hoạt động vì cộng đồng: hưởng ứng Giờ Trái đất, biến đổi khí hậu, cuộc thi đi bộ…; tạo thêm sinh cảnh như nuôi chim bồ câu, cá. Ngoài ra, tại rạch Khai Luông, sát nhà hàng Hoa Sứ là địa điểm thích hợp để tổ chức chợ đêm du lịch theo đúng kiểu truyền thống trên bến dưới thuyền, phục vụ ẩm thực, bán hàng lưu niệm. Đặc biệt, có thể khai thác tuyến đường sông cả ngày lẫn đêm theo lộ trình Ninh Kiều- Cái Răng- Rạch Nhỏ- Rạch Ngỗng- cầu đi bộ. Ngoài ra, có thể xây Bảo tàng Nam Bộ nhỏ với kiểu nhà truyền thống ba gian hai chái, tổ chức biểu diễn làng nghề truyền thống.
Dulichgo
Ở góc độ lữ hành, ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Vietravel Cần Thơ và Khu vực Tây Nam Bộ chia sẻ: "Cầu đi bộ là điểm mới rất có sức hút của Cần Thơ và chúng tôi đang xem xét để đưa vào các tour, tuyến. Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố cần có quy hoạch cụ thể về các dịch vụ bổ sung: ăn uống, bãi giữ xe, nhà vệ sinh công cộng. Đặc biệt, chú trọng tổ chức thêm các hoạt động thường niên: đêm hội hoa đăng, âm nhạc đường phố, các trò chơi dân gian để thu hút du khách".
Ông Trương Công Mỹ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc Cần Thơ, nhận định: "Dưới góc nhìn đô thị, Cần Thơ đang thiếu không gian công cộng dành cho cộng đồng và cầu đi bộ thu hút du khách bởi đáp ứng nhu cầu đó. Mặt khác, cầu còn có ý nghĩa kết nối không gian giữa truyền thống với hiện đại, hoàn thiện chuỗi công trình độc đáo từ bến Ninh Kiều, cầu đi bộ, dọc đến bến phà cũ. Để du khách đến đây nhiều hơn, nên tổ chức chợ đêm, nhóm nhạc đường phố và cho phép gắn các ổ khóa tình yêu. Tuy nhiên, phải có cách quản lý, nghiên cứu về vật liệu cũng như địa điểm để đảm bảo mỹ quan, an toàn".
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đồng tình với việc cho phép gắn khóa tình yêu trên cầu đi bộ, bởi đó là điểm nhấn cần thiết để du khách đến và quay trở lại Cần Thơ. Tuy nhiên, để an toàn và đảm bảo vẻ mỹ quan của công trình, cần phải có biện pháp quản lý, quy định địa điểm và chú ý đến chất liệu sản phẩm (không gỉ sét, nhẹ). Ngoài ra, việc xây dựng các cảnh quan, bổ sung các dịch vụ là điều cần thiết phải làm ngay nhưng cần có quy hoạch, đầu tư cụ thể.
Ông Lê Minh Sơn, Phó Giám đốc Sở VH, TT & DL Cần Thơ, cho biết: "Những ý kiến trên sẽ được ghi nhận. Chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất với UBND thành phố để có những giải pháp phù hợp, hiệu quả".
Dulichgo
Xoay quanh vấn đề nghiêm cấm hay cho phép treo ổ khóa tình yêu trên cầu đi bộ, tại buổi tọa đàm, Ban tổ chức đã phát phiếu xin ý kiến các đại biểu. Kết quả:
- 41/63 phiếu đồng ý cho phép, chiếm tỷ lệ 65%. Trong đó, ý kiến tạo điểm nhấn cho du lịch Cần Thơ chiếm 62%.
- 22/63 phiếu không cho phép gắn ổ khóa tình yêu trên cầu đi bộ, chiếm 35%, với nhiều lý do: làm xấu cảnh quan, gây lãng phí tiền bạc, gây hư hỏng, quá tải cầu…
Theo Báo Cần Thơ
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét