(DNSG) - Huyện Chí Linh của tỉnh Hải Dương là mảnh đất địa linh nhân kiệt tiêu biểu của các tỉnh phía Bắc thời phong kiến. Đây là vùng đất ghi dấu ấn của rất nhiều bậc anh hùng, danh nhân văn hóa như Trần Quốc Tuấn, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi…
< Đền thờ Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng.
Người dân nơi đây đều tự hào khi nhắc đến Chí Linh Bát Cổ - tám cảnh đẹp, di sản văn hóa cổ tiêu biểu được hiền nhân xưa bầu chọn. Chúng tôi đã thực hiện một cuộc hành trình tìm lại tám cảnh đẹp cổ ấy.
Điểm khởi đầu: Dược Lĩnh Cổ Viên
Có sự dẫn đường của cô Nguyễn Thị Hằng, người bản địa rất am hiểu về Chí Linh, chúng tôi chọn điểm đến đầu tiên là Dược Lĩnh Cổ Viên. Đây chính là vườn thuốc quý cổ xưa trên núi Nam Tào, nay thuộc thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh.
Xe chạy thẳng theo đường bê tông lên đỉnh núi. Trước mắt chúng tôi hiện ra một hiệu thuốc nam của ông Đinh Văn Lịch - thầy lang đã 80 tuổi, bây giờ là người duy nhất am hiểu về Dược Lĩnh Cổ Viên. Ông Lịch kể rằng Dược Lĩnh Cổ Viên gắn với một truyền thuyết rất hay về Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Sau khi chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ ba, ngài về lập thái ấp ở Vạn Kiếp.
Đây là vùng đất có vị trí chiến lược ngăn chặn được quân phương Bắc xâm lược bằng cả đường sông và đường bộ. Hưng Đạo vương cho tuyển quân, xây thành trì, thái ấp. Trong quá trình tập luyện, không thể tránh khỏi những trường hợp lính tráng bị thương, đau ốm nhưng thuốc men chữa trị vô cùng khan hiếm.
< Ông Lịch đang chỉ về khu vườn từng được gọi là Dược Lĩnh Cổ Viên.
Thấu hiểu nỗi lo lắng của Hưng Đạo vương, một đêm, Ngọc Hoàng đã sai Nam Tào hóa thành tiên ông xuất hiện trong giấc chiêm bao của vương. Tiên ông tự xưng là Dược Linh, biết Hưng Đạo vương đang cần thuốc chữa cho ba quân tướng sĩ nên đem biếu. Hưng Đạo vương cảm ơn và đón nhận túi cói, bên trong có mấy cây thuốc giống.
Hôm sau, trên đường từ xưởng đóng thuyền về thái ấp, đi qua một quả đồi, ngựa của Hưng Đạo vương cứ hí vang, tung vó mà chẳng chịu bước. Biết có sự lạ, vương xuống kiểm tra và hết sức ngạc nhiên khi thấy dưới chân ngựa là những cây thuốc giống hệt tiên ông đã trao cho mình trong giấc mộng.
Lập tức, vương sai quân đánh cây thuốc mang đi trồng khắp núi và từ đó, lính tráng đã được chữa khỏi bệnh nhờ cây thuốc quý. Đó là sự tích hình thành nên Dược Lĩnh Cổ Viên và cho đến nay trên núi Nam Tào, Bắc Đẩu có đền thờ Hưng Đạo vương, thờ tiên ông.
Dulichgo
Sau khi kể chuyện về Dược Lĩnh Cổ Viên, ông Lịch đã đưa chúng tôi ra khu vườn trên đỉnh núi và giới thiệu một số loài cây dùng làm thuốc chữa một số bệnh thường gặp. Là người duy nhất còn biết các cây thuốc này, từ khi xuất ngũ, ông đã dùng chúng để cứu chữa do dân gần xa, hành nghề y để nuôi sống gia đình. Đã 80 tuổi nhưng ông Lịch vẫn rất tráng kiện và theo lời ông thì sức khỏe ấy là do nghề thuốc mang lại.
Dấu tích của Phao Sơn Cổ Thành
Vị trí của Phao Sơn Cổ Thành chính là nhà máy nhiệt điện Phả Lại hiện nay. Ông Sông, nay đã 78 tuổi, ngụ tại thị trấn Phả Lại cho biết trung tâm của Phao Sơn Cổ Thành là ở gốc cây gạo trước nhà máy nhiệt điện. Chúng tôi đã vào nhà dân xung quanh tìm lại những dấu tích xưa.
< Gạch cổ xây thành xưa được tìm thấy ở nhà dân.
Phao Sơn Cổ Thành được xây dựng từ thời Trần, hồi thế kỷ XIII. Thành cổ được xây trên diện tích rộng khoảng sáu, bảy hécta, tường cao bốn thước, xây bằng gạch vồ (loại gạch xưa nung bản rộng và dày). Vào đầu thế kỷ XV, quân Minh đã chiếm đóng thành này cho đến năm 1427 thì bị nghĩa quân của Lê Lợi đánh đuổi.
Đến thế kỷ XVI, thời nhà Mạc, Phao Sơn Cổ Thành được tu sửa và trở thành một chiến lũy quan trọng trấn giữ khu vực Đông Bắc Thăng Long và vùng rừng núi Chí Linh - Đông Triều.
Đến thời Pháp thuộc, nơi đây trở thành căn cứ quân sự của thực dân Pháp. Chúng đã cho xây dựng trường đào tạo sĩ quan quân đội và xây thêm nhiều đồn bốt xung quanh thành cổ.
Năm 1980, để xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Phao Sơn Cổ Thành bị phá bỏ hoàn toàn, lấy chỗ làm mặt bằng cho nhà máy. Ở nhà hai bà Phạm Thị Uyển và Đào Ngọc Dung gần đó vẫn còn rất nhiều gạch cổ, chính là những dấu tích cuối cùng của ngôi thành cổ Phao Sơn.
Dulichgo
Gạch xây thành xưa được tìm thấy có hình vuông, kích thước 40x40 (cm), dày khoảng 5 - 7cm. Trên thân gạch có hoa văn mang dấu ấn thời Trần và nhiều chữ Hán khá rõ nét. Gạch ở đây giống hệt loại gạch đã tìm thấy ở đền An Sinh (huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh), nơi thờ các vị vua Trần. Điều đó một lần nữa khẳng định Phao Sơn Cổ Thành đã có tuổi đời trên 700 năm.
Bên cây ruối giữ lại dấu vết của Tiều Ẩn Cổ Bích
Danh nhân đất Việt Chu Văn An sinh năm 1292, mất năm 1370. Những năm cuối đời, ông đã từ quan về vùng núi Phượng Hoàng để ở ẩn với hiệu Tiều Ẩn (người đi ẩn hái củi). Tại đây, Chu Văn An dạy học, viết sách cho đến lúc qua đời. Địa danh Tiều Ẩn Cổ Bích - bức tường cổ bao quanh nhà của Chu Văn An ngày xưa chính là cảnh đẹp cổ thứ ba của Chí Linh mà chúng tôi đã tìm đến.
< Chiếc lăng nhỏ có mộ của bà Nguyễn Thị Duệ.
Vùng núi Phượng Hoàng có cảnh quan rất đỗi thơ mộng, đúng là nơi ở ẩn tuyệt vời của bậc hiền nhân xưa. Đền thờ Chu Văn An được xây dựng hoành tráng trên núi Phượng Hoàng (thuộc xã Văn An, huyện Chí Linh). Ngày ngày có hàng ngàn học sinh, sinh viên ở khắp nơi về đây cắm trại, dâng hương. Truyền thống về dâng hương ở đền Chu Văn An trước khi bước vào năm học mới đã có từ nhiều năm nay.
Hành trình đến với Tiều Ẩn Cổ Bích khá gian nan vì tường xưa không còn, mà chỉ còn một tấm biển chú thích gắn vào thân một cây ruối đứng bên cạnh tường đá năm xưa. Nghe nói cây ruối được trồng cách đây gần 80 năm. Vòng vèo hỏi thăm mãi, chúng tôi cũng tìm ra cây ruối ấy. Cho dù tường đá xưa không còn nhưng đứng bên cây ruối, chúng tôi vẫn cảm thấy thỏa mãn vì đã đến đúng nơi Chu Văn An đã dạy học năm xưa.
Nhạn Loan Cổ Độ hôm nay
Ngay tại Lục Đầu Giang lịch sử cũng có một địa danh trong tám cảnh đẹp cổ. Đó là Nhạn Loan Cổ Độ (bến đò cổ Nhạn Loan), nay thuộc xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh. Theo truyền thuyết thì ở bến Nhạn xưa có rất nhiều chim nhạn bay lượn. Đây cũng chính là điểm cuối của Lục Đầu Giang (chỗ hợp lưu của sáu dòng sông Cầu, Thương, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình).
Dulichgo
< Cây gạo này là vị trí trung tâm của Thành Cổ Phao Sơn xưa.
Cảnh sắc bến sông thanh bình, có tích từ thời Hùng Vương. Theo tài liệu cổ Chí Linh Phong Vật Chí thì An Dương Vương bị quân Triệu Đà truy đuổi đã chạy qua bến sông này. Đặc biệt, trên đoạn sông gần đó có bến Bình Than, nơi tiểu tướng Trần Quốc Toản bóp nát quả cam trong tay vì còn ít tuổi, không được dự bàn đánh giặc Nguyên - Mông.
Ngày nay, tại vị trí của Nhạn Loan Cổ Độ chỉ có những thảm cỏ xanh tươi nơi chân đê. Dấu tích của bến đò xưa gần như không còn. Gần sát vị trí đó, một bến đò mới có tên là Triều Dương đã hình thành để người dân địa phương đi sang Gia Bình (thuộc tỉnh Bắc Ninh).
Kiệt Đặc - nơi sở hữu tới ba cảnh đẹp cổ
Ngôi làng ở Chí Linh được người xưa đề cử đến ba trong tám vẻ đẹp có tên Kiệt Đặc (thuộc xã Văn An). Từ quốc lộ 18, băng qua con đường nhỏ giữa cánh đồng lúa, chúng tôi đã đến thăm làng này.
< Thượng Tể cổ trạch.
Theo tích xưa, có một ngôi nhà ở giữa đồng mang tên Thượng Tể Cổ Trạch, là ngôi nhà cổ của danh tướng kiệt xuất của nhà Trần Trần Quốc Chẩn. Ông đồng thời là quốc phụ của vua Trần Minh Tông. Dấu tích của ngôi nhà cổ ấy gần như không còn, thay vào đó là một đền thờ Trần Quốc Chẩn trên nền ngôi nhà cũ.
Ông Nguyễn Văn Long, một người am hiểu lịch sử ở Kiệt Đặc kể cho chúng tôi nghe rằng xưa kia, quan Trần Quốc Chẩn bị hàm oan mà từ bỏ cõi đời. Vua Trần nhiều năm bị ám ảnh bởi vụ án oan của quốc phụ. Để sửa sai, vua đã cho lập đền thờ quốc phụ bên tả ngạn sông Kinh Thầy.
Tại đền thờ Quốc phụ, ông Long dẫn chúng tôi về phía vườn sau hậu điện, chỉ vào cây đa cổ và giới thiệu đó chính là nền cũ của ngôi nhà mà quốc phụ Trần Quốc Chẩn đã từng sống.
Cách đền thờ quốc phụ không xa là Tinh Phi Cổ Tháp (tháp mộ của Tinh Phi - người vợ thứ của vua). Bà có tên Nguyễn Thị Duệ, sinh ra tại chính làng Kiệt Đặc. Thuở nhỏ, bà thông minh, hiếu học và có bản lĩnh hơn người, khiến cánh đàn ông phải nể phục.
Dulichgo
Bà sống vào thời nhà Mạc, đã từng giả trai với tên gọi Nguyễn Du để đi thi và đỗ tiến sĩ. Khi uống ngự tửu trong yến tiệc mừng tân khoa, bà bị vua Mạc phát hiện là gái, nhưng vì cảm mến tài sắc, vua đã không kết tội, mà lập làm phi. Trong lịch sử nước nhà, Nguyễn Thị Duệ là người phụ nữ đầu tiên đỗ tiến sĩ.
Sau khi nhà Mạc bị diệt vong, bà về quê lập am tu hành. Sau khi bà mất, dân địa phương đã xây mộ trong một ngôi tháp đất nung màu hồng, cao nhiều tầng, đặt tên là Tinh Phi Cổ Tháp. Tháp đã bị đổ nên khi chúng tôi tìm đến thì ngôi mộ của bà được dựng lại thành lăng nhỏ.
Lăng mộ Tinh Phi nằm trên một quả đồi có vị trí rất gần núi Phượng Hoàng. Phía trước lăng là một đền thờ rộng lớn, phía ngoài có hồ nước tạo cảnh quan yên bình, trang nghiêm.
Một cảnh đẹp cổ khác ở làng Kiệt Đặc là Huyền Thiên Cổ Tự (chùa Huyền Thiên), được xây từ thời Lý - Trần. Trong chùa có Vân Tiên Cổ Động (động của tiên ở). Ngày xưa, thiền sư Huyền Thiên đã từng luyện thuốc trường sinh ở đây.
Khi chúng tôi đến, bà lão trông chùa cho biết kiến trúc cổ đã bị đổ nát, còn cửa động Vân Tiên cũng mất dấu tích, nay chỉ còn lại một ngôi tháp nhỏ, bậc nền hoa sen và các loại gạch cổ, ngói mũi dài dùng để xây chùa ngày xưa…
< Trạng Nguyên cổ đường.
Xét theo địa giới hành chính hiện nay, một vẻ đẹp cổ không nằm ở đất Chí Linh là Trạng Nguyên Cổ Đường. Tìm về mảnh đất Linh Khê (xã Thanh Quang, huyện Nam Sách), chúng tôi được biết trạng nguyên Cổ Đường chính là thầy dạy học của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1273-1346).
Ông đỗ trạng nguyên năm 1304, làm quan đến chức tể tướng. Về già, ông hồi hương mở lớp dạy học gần gò Hạc, thuộc thôn Linh Khê, xã Thanh Quang ngày nay.
Đến thế kỷ XVIII, khi tuyển chọn Chí Linh Bát Cổ thì Trạng Nguyên Cổ Đường được xếp thứ nhất và hiện nay khu văn chỉ của thôn Linh Khế chính là nền móng cũ của công trình cổ ấy.
Những điều thú vị mới hé lộ về Bát Cổ
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương - GS Tăng Bá Hoành cho biết vùng Côn Sơn, Kiếp Bạc không được ghi danh vì hồi thế kỷ XVIII, địa danh này thuộc huyện Phượng Nhãn, phủ Lạng Thương, trấn Kinh Bắc. Cũng bởi lý do địa giới hành chính mà Trạng Nguyên Cổ Đường giờ thuộc Nam Sách chứ không phải Chí Linh.
Còn về số 8 mà không phải con số nào khác, giáo sư giải thích như sau: “Người xưa chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, mà theo quan niệm xưa, số 8 dùng để thể hiện sự viên mãn. Trong tín ngưỡng, người xưa rất coi trong con số 8, ví dụ bát quái, bát tiên, bát tú, bát âm…”.
Ở thôn Linh Khê có một bia đá liền khối cao hai thước, hai chiều còn lại mỗi chiều nửa thước, trên có khắc tám bài thơ vịnh bát cảnh của Chí Linh xưa. Nghe nói năm 1795, một người tên là Thanh Hiên Khải Phủ nhân chuyến du ngoạn những cảnh đẹp của Chí Linh đã cẩn thận ghi lại tám bài thơ tặng nho sĩ địa phương.
Tháng Giêng năm Mậu Ngọ (tức năm 1798), nhân dân địa phương lấy đá ở Kinh Môn về tạo bia và khắc tám bài thơ trên tấm bia đó. Năm 1800, bia được dựng tại gò Hạc, nơi rất gần Trạng Nguyên Cổ Đường xưa. Hiện nay, gò Hạc là khu vườn nhà ông Vũ Quang Hùng và tấm bia đã được chuyển đi, dựng ở Trung tâm Văn hóa của thôn Linh Khê.
Dulichgo
Lại nói về tác giả Thanh Hiên. Chúng ta biết đại thi hào Nguyễn Du (1766-1820) có tên tự Tố Như và tên hiệu Thanh Hiên. Ông từng làm quan tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), rất gần với Chí Linh về mặt địa lý và cũng cùng thời gian có bia Chí Linh Bát Cổ (cuối thế kỷ XVIII).
Theo GS Tăng Bá Hoành, tuy chưa có kết luận chính thức, nhưng rất có thể tác giả Thanh Hiên của tám bài thơ được tạc trên bia Chí Linh Bát Cổ với Nguyễn Du là một. Nếu đúng như vậy thì đó là một niềm tự hào lớn và càng khẳng định thêm giá trị của tám cảnh đẹp và công trình cổ của Chí Linh.
Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một nhà thơ khác cũng có hiệu là Thanh Hiên, đó là Thanh Hiên Khải Phủ Nguyễn Chí Hòa. Như vậy, Nguyễn Du hay Nguyễn Chí Hòa đã làm tám bài thơ mà nay vẫn rõ ràng trên bia Chí Linh Bát Cổ?
Hiện vẫn chưa có câu trả lời nên đang cần các nhà nghiên cứu cho đáp án vì có lẽ duy nhất Chí Linh mới có sự bầu chọn cảnh đẹp rồi vịnh vào thơ độc đáo như vậy.
Theo Hải Dương, Trương Viên (Doanh Nhân Sàigòn)
Theo sử sách để lại thì " Chí Linh bát cổ" bao gồm:
1- Trạng Nguyên cổ đường
2- Tiều Ẩn cổ bích
3- Dược Lĩnh cổ viên
4- Nhạn Loan cổ độ
5- Thượng Tể cổ trạch
6- Phao Sơn cổ thành
7- Huyền Thiên cổ tự
8- Tinh Phi cổ tháp
Chi Linh bát cổ lừng lẫy một thời đã trở thành phế tích trong hai cuộc chiến tranh giữ nước. Tuy ngày nay được sự quan tâm của Nhà nước một số di tích đã được phục hồi được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh để tôn tạo và bảo vệ nhưng vẫn còn một số di tích chỉ còn trong sử sách với những dấu vết mơ hồ rất cần được khôi phục và phát triển.
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét