“Ăn cơm Mường Quạ, thưởng cá sông Giăng” - câu nói đã trở nên nổi tiếng ở miền Tây xứ Nghệ. Ai đã một lần tới đây hãy dành thời gian ghé thăm dòng sông nổi tiếng này, để thưởng ngoạn cảnh sắc rừng núi hoang sơ, trải nghiệm cảm giác đi thuyền trên đá, thăm những bản làng Đan Lai và ăn món cá Mát nổi tiếng.
< Một đoạn sông Giăng ở Mường Quạ.
Sông Giăng là con sông dài, chảy trong quần thể Vườn Quốc gia Pù Mát, được quy hoạch trở thành một địa điểm du lịch sinh thái tự nhiên của xứ Nghệ. Theo những người lái thuyền, thời điểm khách du lịch đến với sông Giăng đông nhất là những ngày tháng 5, tháng 6. Đây là lúc khắp dải đất miền Trung chìm trong nắng hạ nhưng khi du thuyền, tắm mát trên dòng sông Giăng thì mọi cái ngột ngạt, oi bức mùa hè đều như tan biến.
Ngồi thuyền ngắm sông Giăng thơ mộng
Hành trình bắt đầu từ đập Phà Lài (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) cách trung tâm thị trấn Con Cuông chưa đầy 20km. Khách du lịch sẽ được những người lái thuyền bố trí ngồi trên những con thuyền bán độc mộc với động cơ là những chiếc máy nổ công suất lớn.
Người lái thuyền sẽ không quên nhắc nhở du khách mặc áo phao, bởi lẽ dòng sông tuy hiền hòa nhưng cũng khá dữ dội, có nơi rộng tới 400 - 500m, nước sâu tới 15m, chảy xiết chẳng kém cửa biển sông Lam. Nhưng càng lên thượng nguồn, lòng sông càng hẹp, có những chỗ hẹp chỉ ngang một con suối nhỏ, nước chảy hiền hòa và khách có thể dừng chân lội suối chụp ảnh.
Sông Giăng là con sông dài, nằm trong quần thể Vườn Quốc gia Pù Mát với hệ sinh thái phong phú và đa dạng bậc nhất Việt Nam. Du thuyền ngược sông Giăng kéo dài khoảng hai tiếng với chặng đường dài 20km đi sâu vào vùng lõi của Vườn Quốc gia Phù Mát nơi có các bản của người Đan Lai sinh sống - một trong những dân tộc thiểu số, sống nơi sơn cùng thủy tận.
Dulichgo
Sau khi hướng dẫn hành khách, bác Thu dùng cây sào đẩy thuyền rời bến, rồi nhẹ nhàng kéo dây khởi động máy nổ. Tiếng động cơ nổ sình sịch, chân vịt chém nước trắng xóa đẩy thuyền lướt đi trên mặt nước đưa du khách ngược dòng sông Giăng.
Thả hồn trên sóng nước, du khách có thể ngắm vẻ đẹp hoang sơ mà rất kỳ vĩ của núi rừng miền Tây xứ Nghệ. Những ngôi nhà sàn lưa thưa xen giữa những ruộng ngô, ruộng lúa xanh tươi của dân bản nơi cuối nguồn; những ngọn núi cao mà ngửa mặt lên đỉnh trời mới thấy ngọn; những cây cổ thụ mọc chòi trên vách đá xõa tán về phía dòng sông. Có đoạn nước sông trong đến mức có thể nhìn rõ từng đàn cá đang tung tăng bơi lội dưới dòng sông.
Ngồi trên thuyền lướt đi êm ái giữa dòng sông, ai cũng lặng đi trước vẻ đẹp tự nhiên của núi non sông nước thanh bình…
Du thuyền trên… đá
Khi thuyền bắt đầu đi vào những đoạn cong cua vòng theo chân núi, từ xa đã nghe tiếng nước xối vào ghềnh đá tạo ra những tiếng ầm ầm dữ dội lấn át cả tiếng máy thuyền. Phía trước mặt là một khúc cua tay áo, lởm chởm đá chặn gần như kín lòng sông, báo hiệu thuyền chuẩn bị vượt ghềnh.
“Chuẩn bị ngược dòng!”, sau tiếng hô, người lái thuyền nhanh tay bóp chặt cò ga lấy đà, đồng thời kéo mạnh cần lái ghì sát bên hông để đưa thuyền vào đúng lạch. “Kịch”, mũi thuyền chạm đá rồi bềnh lên hướng thẳng vào khe nước hẹp. Mọi người hét lên vì sợ lật. Lúc này, bên dưới lớp nước cuộn chảy chưa đầy gang tay, có thể thấy rõ những viên đá suối to bằng nửa cái bàn đang trực chờ con thuyền nhỏ đi tới…
Dulichgo
Đây mới chỉ là thác đầu tiên của hành trình, có ít nhất hơn chục ghềnh đá như thế, nhiều chỗ còn hẹp và cạn nước hơn nhiều. Du khách ai mới đi lần đầu đều thấy sợ, nhưng qua vài cái thác, đến khi quen rồi, lại tỏ ra thích thú.
Trên hành trình, khi thì mũi thuyền dựng 450 vượt ghềnh, lúc thì lịch kịch trượt trên ghềnh đá, có lúc thuyền đâm mạnh vào ngầm đá như muốn vỡ. Mạo hiểm nhất là đoạn thuyền qua khe Lẻ, một dòng nước siết chảy mạnh trên mặt đá dốc, thuyền nổ hết công suất mới trèo lên được gềnh. Những lúc như vậy, du khách ngồi trên thuyền không tránh khỏi cảm giác vừa hồi hộp vừa lo sợ, khi thì run rẩy vì bị nước xối tràn mạn thuyền, lúc lại hào hứng hò reo khi thuyền vượt được dòng thác dữ.
Chia sẻ kinh nghiệm lái thuyền trên ghềnh đá, người lái thuyền cho biết: Lúc vượt ghềnh phải rà chân vịt theo mớn nước trên mặt đá, nếu quá nông không đủ lực đẩy thuyền vượt thác, còn lỡ đẩy sâu chân vịt chạm đá xe bị gãy, nước đẩy ngược gây chìm thuyền…
Thăm tộc người ít nhất Việt nam
Đến đầu Khe Cọ, biết trước đoạn này nước cạn, thuyền chở khách nặng không vượt được, các lái đò tấp thuyền vào bờ suối để khách đi tắt lên đầu dòng, còn mình tự tay chèo lái con thuyền vượt dòng. Sông Giăng thoạt nhìn có vẻ hung dữ nhưng vốn rất hiền. Đoạn nước sâu thì hiền hòa, tĩnh lặng, nước chảy xiết thì mực nước chỉ ngang đùi. Mỗi năm chỉ có hai tháng là tháng 9 và tháng 10, nước lũ từ thượng nguồn bên Lào đổ về là không đi được.
Dulichgo
Du thuyền sông Giăng, ngoài khoảng thời gian trải nghiệm cảm giác mạnh khi đi thuyền ngược dòng sông Giăng, du khách còn được đến thăm bản làng người Đan Lai, tìm hiểu cuộc sống của một trong những dân tộc ít người và sống hoàn toàn biệt lập với cộng đồng.
Tại đây, du khách được thăm các ngôi nhà sàn cheo leo giữa lưng núi, sườn đồi, được tìm hiểu tập quán của người bản địa, được giao lưu cùng với các chiến sỹ bộ đội biên phòng Khe Khặng, thưởng thức các món ăn đặc trưng như: Cá lăng nấu chua, canh rau rừng, măng rừng chấm muối... Và một món ăn đặc biệt dễ gây nghiện, đó là món cá mát kho muối ớt, tiêu rừng. Nó có vị ngon, ngọt đặc trưng bởi nước thượng nguồn sông Giăng.
Sau khi thăm đồng bào dân tộc Đan Lai, du khách có thể tự do thăm các bãi đá suối tự nhiên, tắm nước sông Giăng hay thỏa thích chụp hình bên những thềm đá có tán cây rừng tuyệt đẹp. Trước khi trở lại thuyền trải nghiệm cảm giác chạy xuôi dòng thác, trượt thuyền trên đá cạn...
Văn Thanh (Báo Giao Thông)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét