Đình Lâm Sơn thuộc thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành), đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là Di tích Lịch sử- Văn hoá cấp tỉnh.
Ngôi đình như một mảnh hồn làng lưu giữ những giá trị văn hóa gắn liền với công cuộc khẩn hoang của người Việt trên vùng đất phương Nam.
Đình Lâm Sơn tọa lạc trên một gò đất cao bằng phẳng, phía trước là Vũng Đình, mặt đình quay về hướng nam. Theo tài liệu lưu giữ tại đây, ngôi đình được tạo lập vào khoảng thời Gia Long (1802-1820).
Đình Lâm Sơn có phụng lĩnh 7 đạo thần sắc của các triều vua phong tặng, gồm có 2 đạo thần sắc năm Tự Đức thứ 33 (1879), một đạo thần sắc năm Đồng Khánh thứ 2 (1886), một đạo thần sắc năm Duy Tân thứ 3 (1909) và 2 đạo thần sắc năm Khải Định thứ 9 (1924). Theo tài liệu miêu tả của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, đình làng Lâm Sơn xây dựng theo hình chữ Đinh gồm một nhà tiền đường, tức đại đình và một nhà hậu cung nối liền nhau. Mặt trước của tòa đại đình là một khoảng sân rộng có hình vuông, các công trình kiến trúc được bố trí xung quanh khoảng sân rộng này.
Dulichgo
Cổng đình có quy mô kiến trúc đẹp và hoành tráng. Qua khỏi cổng đình bước vào khoảng sân, nằm đăng đối hai bên là nhà hội, nghĩa từ, đối diện với trường học. Không gian và kiến trúc đình Lâm Sơn được đặt trong khung cảnh thiên nhiên hòa hợp với kích thước, chiều cao, tạo nên sự hài hòa của đình. Cũng theo tài liệu miêu tả của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, đình chính gồm nhà đại đình và hậu cung.
Tòa đại đình có mặt chính diện gồm hệ thống 3 cửa, hai bên là hai cửa sổ, trên đỉnh của mặt chính diện được trang trí rất đẹp, các mô típ trang trí theo kỹ thuật đắp nổi, chủ đề trang trí gồm: Hoành phi ở giữa có 2 chữ “Lâm Sơn”, hai bên có lưỡng long, ở hai đầu góc có đôi nghê quay đầu vào nhau rất đối xứng. Đi vào trong là nhà hậu cung, nhà hậu cung nối liền với tòa đại đình. Nhà hậu cung được thiết kế thành 3 án thờ: Án thờ thần Thành Hoàng ở vị trí trung tâm, hai bên thờ tả ban và hữu ban thờ tiền hiền, hậu hiền.
Cổng đình quay về hướng Tây Nam, được xây dựng bằng đá ong theo phong cách thời Nguyễn, có tỷ lệ cân đối hài hòa vừa rộng, vừa vững chãi. Cổng đình chỉ có một cửa vào, cửa cổng có dạng vòm cuốn, đỉnh cổng được tạo mái rất chắc chắn, mặt trước cổng đình có hai hàng liễn đối chữ Hán, nhưng bây giờ nét chữ không còn đọc được.
Dulichgo
Do chiến tranh tàn phá, toà đại đình đã bị hư hỏng, đến năm 1994 mới được nhân dân tại địa phương đóng góp công sức để tu sửa lại. Ông Trần Văn Nghiệp, một người cao niên ở thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân cho biết, mặc cho chiến tranh, thiên tai bão lũ khắc nghiệt và những định kiến khác nhau, người dân nơi đây đã tự nguyện đóng góp công sức và của cải để bảo tồn ngôi đình vốn là niềm tự hào của tất cả mọi người.
Cùng với những giá trị lịch sử, đình Lâm Sơn còn là một trong những địa điểm hoạt động cách mạng rất sớm của vùng đất Nghĩa Hành. Ông Đoàn Pháp Luật, cán bộ hưu trí ở thôn Phước Lâm, xã Hành Nhân, cho biết: “Sau hơn 200 năm tồn tại, đình Lâm Sơn vẫn luôn là niềm tự hào của những người dân ở thôn Phước Lâm. Đình Lâm Sơn còn là nơi nâng cao tinh thần cố kết cộng đồng, giáo dục con cháu về truyền thống của cha ông và bảo tồn những di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của một vùng đất”. Hằng năm, đình Lâm Sơn có 2 lễ tế chính gồm tế Xuân vào tháng 2, tế Thu vào tháng 8 âm lịch, chủ tế là chủ làng các hương chức trong làng đều tham dự lễ tế.
Dulichgo
Đình làng Lâm Sơn còn bảo tồn kiến trúc cổ xưa gắn liền với công cuộc khẩn hoang của người Việt trên vùng đất phương Nam. Các hoạt động văn hoá lễ hội ở đình làng Lâm Sơn vẫn còn được lưu giữ, trao truyền, đây cũng là di sản văn hoá phi vật thể cần được phát huy, nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống của văn hoá Việt.
Cây đa di sản hơn 300 tuổi
Phía sau đình Đình Lâm Sơn còn có cây đa cổ thụ nằm gần sát mép sông Phước Giang. Trước thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng 1740 -1786 , cây đa đình Lâm Sơn đã được tiền nhân trồng. Cây đa tại đình Lâm Sơn, đã được công nhận là cây "Di sản Việt Nam". Đây là cây "Di sản Việt Nam" thứ 2 của Quảng Ngãi sau cây thị ở xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành. Cây đa tại đình Làng Lâm Sơn có niên đại trên 300 năm tuổi, cao 25 mét, có chu vi gốc 20 mét, đường kính thân 6,8 mét.
Hiện cây đa tại đình làng Lâm Sơn vẫn uy phong, biểu thị cho sự bền bỉ trường tồn của đình làng, sự vươn cao, sức mạnh phi thường của con người và mảnh đất nơi đây.
Theo Báo Quảng Ngãi, web Nghĩa Hành
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét