Địa danh Sài Sơn gắn liền với chùa Thầy - một trong 4 ngôi chùa cổ nhất của xứ Đoài. Ngọn núi mà chùa Thầy tựa lưng ấy mang trong mình nhiều huyền bí. Người ta nói rằng núi Sài Sơn có hình con rồng và trong bụng rồng đó là nơi được coi là điểm giao nhau của đất trời.
… Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn xem lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt rót đêm trăng
Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn lời ca
Đã phai hương mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta...?
(Trích "Còn có bao giờ em nhớ ta" - thơ Quang Dũng)
Báu vật miền quê
Đi khắp mọi lối nẻo của vùng đất xứ Đoài, cảnh sắc nơi nào cũng hùng vĩ và hữu tình. Nhưng khi đặt chân đến núi Sài Sơn (xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) lại cho tôi một cảm giác huyền bí vô cùng.
Dulichgo
Từ xa xưa, dân gian đã truyền tụng về 4 báu vật mà xứ Đoài sản sinh ra: Dơi quý đất Sài Sơn, cá chép to Cấn Xá, cua lạ làng Khánh Hiệp và rau muống Linh Chiều. Tương truyền rằng đó là những sản vật chỉ dùng để tiến vua.
Ông Nguyễn Thế Tình, người sống cạnh chân núi Sài Sơn cho biết: "Ở núi Sài Sơn này, dơi béo núc, cầm lún cả đốt ngón tay. Nơi đây có 2 loại dơi, một loại màu vàng nhạt và một loại màu trắng mà người ta thường gọi là bạch dơi". Cũng theo ông Tình, dơi sống tập trung ở hang Cắc Cớ và hang Bò. Ông Tình bảo, ban ngày khá yên ắng nhưng có những lúc đêm xuống, dơi đi ăn tràn qua nhà ông tạo nên thứ âm thanh nháo nhác.
Món thịt dơi Sài Sơn xưa kia được chế biến rất đặc biệt, sau khi bị "hóa kiếp" dơi phải được "hạ thổ" một đêm hoặc treo trên nóc bếp vài ba ngày. Đó là cách làm để dơi tự sinh ra mỡ. Sau đó lột da rồi đem rán lên, không cần cho gia vị. Vậy mà thịt chẳng có mùi hôi, đặt lên đầu lưỡi, chỉ nức lên mùi hoa quả chín. Thịt loài dơi đã ngon mà theo lời các cụ cao niên, nó còn chữa được nhiều bệnh. Đây là loài dơi quý mà trong sách “Đại Nam nhất thống chí” đã nói đến.
Theo ông Tình, để bắt loại dơi này không phải việc đơn giản. Vào những tháng đông - xuân trời rét, người đi săn lên núi từ chập tối, ngồi đợi trong hang đá chịu khí lạnh buốt cho sạch hơi người, chăng lưới chờ đến nửa đêm khi đàn dơi đi ăn về ùa vào hang thì chụp lưới bắt. Cổng Trời, một miệng hang trên núi Sài Sơn là nơi người ta hay chăng lưới để bẫy dơi.
Dulichgo
Ngày nay, loài dơi quý ở núi Sài Sơn không còn nhiều và người Sài Sơn cũng không còn thói quen ăn thịt dơi nữa. Ông Tình bảo: "Dơi trên núi vẫn còn, nhưng chẳng mấy ai đưa lưới bẫy dơi nữa cả. Thỉnh thoảng có một vài nhóm thanh niên nổi hứng vác súng đi săn. Bây giờ phải coi chúng như một sản vật quý mà thiên nhiên ban tặng, phải có ý thức bảo tồn".
Xuống 9 tầng địa ngục
Không biết từ lúc nào, người ta truyền nhau về miệng hang Cắc Cớ hay còn gọi là "Thần Quang Tự" trên núi Sài Sơn là nơi khởi đầu để xuống... 9 tầng địa ngục - nơi có con quỷ án ngữ cổng trời, làm công việc "tuyển" các linh hồn trước khi cho lên cõi niết bàn đầu thai làm kiếp khác hay đày xuống âm phủ làm mồi cho chó ngao, vạc dầu... Huyền thoại thì sẽ mãi là điều bí ẩn.
Người ta bảo ở đây còn có bể xương khổng lồ ngàn năm tuổi được gom lại ở lưng chừng động, được con rồng bướng cất giữ trong bụng. Không phải vào mùa lễ hội, cũng không phải ngày nghỉ, khách vắng hoe, trên tay cầm chiếc đèn pin, tôi hít một hơi thật dài một mình bước xuống cái nơi mà người ta nói điểm cuối là tầng thứ 9 của địa ngục.
Nghe người ta nói ở tầng thứ 3 hay thứ 4 gì đó có một bể xương khổng lồ của nghĩa quân Lữ Gia xưa kia nằm lại. Đường lên miệng hang ngoằn nghèo và hiểm trở. Men theo những bậc đá dẫn lối là những cây đại cổ thụ thân sần sùi phải đến trăm năm tuổi ngả thân ngang dọc giữa lưng chưng núi. Đường dốc đứng như miệng giếng, ánh sáng từ ngoài cửa hang hắt vào chỉ đủ soi được vài chục bước chân. Không gian dày đặc hơi nước, tối om trong khoảng đen sậm của những hũm, những hốc lạnh tanh chìm sâu trong lòng đất đến cả trăm mét...
Dulichgo
Chốc chốc trên đường xuống "địa ngục" lại xuất hiện những tấm bia với văn tự cổ bằng chữ nho. Ánh sáng của chiếc đèn pin không đủ lớn để hình dung được hết những gì trong động. Ở chốn thâm sâu ấy, bóng đêm khiến người ta hay tưởng tượng ra những điều quái đản. Và sự cách biệt thanh âm làm cho bụng rồng trở thành một thế giới khác... Tiếng nước rót từ thành hang thánh thót, lúc xa, lúc gần, nhưng không thể nhận biết chính xác vị trí của những "giọt thuỷ ngân" bền bỉ bào mòn đá từ ngàn đời.
Bám theo sườn dốc thoai thoải, bàn thờ nghĩa quân Lữ Gia lạnh ngắt khói hương. Tấm biển bằng gỗ dán nhoen nhoẻn đất. Trước mặt là một bể xương được xây vuông vắn, có để một lỗ để người ta có thể nhìn vào, đầu lâu với xương nằm lộn xộn ở phía trong. Tôi biết mình đã đặt chân tới lãnh địa của hơn 3.000 bộ xương đã nằm lại đây ngàn năm.
Cách đó không xa là một cái "miệng" có thể nhìn thẳng lên trời xanh. Nhưng ánh sáng từ "miệng" đã bị hơi nước trong hang làm cho mọi thứ trở nên mờ ảo đến lạ kỳ. Miệng hang dốc đứng kia mang hình ảnh khuôn mặt của một con quỷ dữ... Trong truyền thuyết mà người Sài Sơn vẫn kể, cái miệng ấy chính là cổng trời, nơi giao thoa của đất trời. Cổng trời ấy chính là nơi con quỷ bị trời đày xuống hạ giới, bị giắt ở đỉnh núi Sài Sơn... Nó được phó thác nhiệm vụ canh gác điểm giao nhau giữa trời và đất, nơi một linh hồn có thể được về trời để tiếp tục tái sinh, hay bị đày xuống 9 tầng địa ngục trong bụng con rồng bướng (cũng là những tầng hang trong Thần Quang Động), chịu cực hình cho những tội lỗi mà mình gieo rắc khi còn sống...
Ngay phía trái của bể xương có một lối nhỏ có bậc đá dẫn đường, người ta nói rằng đó là đường xuống tầng địa ngục thứ 4. Bóng tối mịt mùng, thử ném một viên đá thì phải mấy phút sau mới nghe tiếng dội lại vang vọng mãi như ngàn tiếng linh hồn u uất. Nhớ lúc còn ở dưới chân núi, ông Tình kể rằng rất ít người có gan đặt chân xuống tới tầng thứ 9. Đa số người muốn thám hiểm đã buộc dây thừng ngang bụng xuống chừng 30m mà không thấy đáy chỉ tối om và ngột ngạt nên đành bỏ cuộc.
Dulichgo
Xưa kia, đã có một số người trong làng khám phá hết các tầng "địa ngục", đó thực sự là những người hùng, song đáng tiếc là họ đã chết cả. Người Sài Sơn vẫn còn kể câu chuyện về cụ Thứ, như một nhà thám hiểm thực thụ khi cụ mất cả tuần để đặt chân tới tầng thứ 9. Thế nhưng, câu chuyện ấy cũng đã theo cụ về với ông bà tổ tiên. Để rồi, bí ẩn về đáy địa ngục vẫn như một huyền thoại.
Chăng thể lý giải được ở một nơi hoang lạnh đầy âm khí như vậy mà người ta lại khuyên những người trẻ: "Ai mà chưa có người yêu/ Vào hang Cắc Cớ đến chiều có ngay". Hang Cắc Cớ không chỉ là bụng con rồng hung dữ nơi cất chứa hàng nghìn bộ xương và cả những bí ẩn của lịch sử thì nơi huyệt đạo ấy lại là điểm hẹn của tình yêu.
Chùa Thầy khiến du khách nao lòng bởi cảm giác bình yên và cũng ẩn chứa những bí mật đầy màu sắc huyền bí. Sau chuyến đi vào lòng núi Sài Sơn, chúng tôi khuyên những ai muốn "mục sở thị" bụng con rồng này, nhất định phải mang theo đèn pin và chuẩn bị tâm lý thật tốt.
Chùa Thầy xây dựng từ thời Đinh, từ một am nhỏ của dân, theo quá trình tu hành của thiền sư Từ Đạo Hạnh, đã làm cho chùa dần trở nên nổi tiếng. Dù không được xếp là đại danh lam nhưng Chùa Thầy lại có sức hút lớn, quy tụ được mọi tầng lớp trong xã hội. Điều này có được trước tiên là do Chùa Thầy đã chọn được một cảnh quan thiên nhiên vốn xếp vào loại danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng quê Xứ Đoài và mọi công trình kiến trúc trong cảnh quan đó đều được tính toán chặt chẽ theo nguyên tắc hài hòa về phong thủy, được mở mang dần qua các thời kỳ để được hoàn thiện vào thế kỷ XVII.
Chùa Thầy khai thác được những thành phần kiến trúc độc đáo: Nhà thủy đình giữa hồ nước, hai cầu Nhật Tiên Kiều - Nguyệt Tiên Kiều, Điện Thánh... Hơn nữa, Chùa Thầy còn có sự liên kết chặt chẽ với quần thể chùa chiền, hang động trên núi cũng như xung quanh chùa, tạo thành tổ hợp kiến trúc không thể tách rời, đẹp về kiến trúc, phong phú về loại hình, cảnh quan quần thể khu di tích Chùa Thầy luôn là địa chỉ tìm đến của du khách gần xa, mỗi khi về thăm Xứ Đoài.
Theo Giadinh.net, Đất Mũi online
Du lịch, GO!
Vẻ đẹp non nước chùa Thầy
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét