(VNN) - Tôi như lạc vào mê cung của đất và lửa trong tòa nhà được kiến trúc cách điệu theo mô hình lò nung gốm sứ Thanh Hà, Hội An, Quảng Nam. Cả 2 tòa nhà kiến trúc thô mộc từ gạch trần và tre được xây dựng trên không gian 6.500 m2 là nơi lưu giữ hồn cốt làng gốm cổ Thanh Hà có tuổi đời hơn 500 năm.
Trong ký ức của Kiến trúc sư trẻ Nguyễn Văn Nguyên - đứa con sinh ra từ làng gốm cổ Thanh Hà, Hội An vẫn nguyên vẹn của những ngày thơ dại chìm đắm trong đất sét quê nhà. Sau hơn 20 năm xa quê, chàng kiến trúc sư trẻ quay lại làng Nam Diêu, Thanh Hà, nơi nguồn cội để dựng lại tòa nhà theo kiến trúc của lò gốm xưa bằng đất sét nung.
Bước vào khu đất rộng hơn 6.500m2 là hình ảnh 2 tòa nhà được xây dựng bằng gạch trần mà theo Nguyên mô tả chính nơi ấy là nơi lưu giữ những tinh hoa, hồn cốt của làng gốm Thanh Hà nổi tiếng cách đây hơn 500 năm được cách điệu theo mô hình lò nung gốm: Lò úp và lò ngửa có diện tích sử dụng rộng hơn 2.000m2.
Dulichgo
Cả một không gian rộng lớn trong 2 tòa nhà này là cả câu chuyện kể bằng hình ảnh, vật dụng, hiện vật… được kết nối suốt chiều dài 500 năm của làng gốm cổ. Theo lời Nguyên, đó là câu chuyện kể về đất sét và lửa mà chàng kiến trúc sư trẻ dồn cả tâm huyết cũng như tiền bạc tích góp dựng nên một công viên đất nung đầu tiên nơi đô thị cổ Hội An.
Nguyên kể rằng anh vẫn nhớ như in ngày đầu tiên sau 20 năm xa quê trở lại làng Nam Diêu gặp các cụ cao niên trong làng để xin xây dựng công viên văn hóa đất nung Thanh Hà. Đó là hành trình trở về cội nguồn mà ở đó là một “không gian – chỉ toàn là gốm, là đất nung” mà nói như các bậc cao niên của làng gốm cổ này thì đó là nơi cháu con hậu thế như Nguyên thỏa sức với đam mê đất và lửa để giữ làng nghề 500 năm.
Trong không gian rộng hơn 2.000 m2 của 2 tòa nhà kiến trúc cách điệu 2 lò nung gốm là cả một thế giới của đất, của lửa, của những thô mộc trăm năm trước. Những viên gạch đỏ au làm nên một không gian toàn màu của đất nâu, hay màu của đất sóng sánh cùng lửa – đỏ au. Cả thế giới của đất nung, của gốm sứ được tạo nên từ những bàn tay sần sùi, những bàn chân cong vẹo vì nhào nặn đất còn hằn in trong từng cuộc đời của các nghệ nhân làng gốm cổ này.
Dulichgo
Cụ bà Nguyễn Thị Được kể lại: “Dân làng ở đây bao đời sống chết đều nhờ vào cục đất sét. Nhờ có đất sét mà có sản phẩm góp mặt cho đời. Nhờ có những sản phẩm được nung qua lò úp, lò ngửa mà nuôi được con cái ăn học thành tài… Còn có đất sét là còn có đất sống…”.
Là người ngoại đạo, chẳng hiểu mô tê về kiến trúc, về xếp đặt nhưng khi đặt chân vào không gian của 2 tòa nhà thô mộc được xây dựng bằng gạch, gốm, đất nung và thân tre thô mộc tôi mới cảm nhận hồn cốt của làng gốm cổ 500 năm dâu bể.
Cả thế giới thu nhỏ Công viên Đất nung Thanh Hà sau hơn 4 năm xây dựng là nơi gìn giữ những nét đẹp của làng nghề 500 năm, là giấc mơ chung của những người con Thanh Hà. Gọi là công viên, nhưng đây là một không gian của một bảo tàng gốm sứ, là ngôi nhà chung của các nghệ sĩ từ khắp nơi hội tụ về thỏa ước mơ với đất và lửa để sáng tạo.
Dulichgo
Khu công viên Đất nung Thanh Hà khởi công từ tháng 7.2011 với kinh phí đầu tư 22 tỷ đồng. Năm hạng mục chính tại công viên bao gồm: khu bảo tàng gốm, khu trưng bày ngoài trời, khu làng nghề Nam Diêu, khu trại sáng tác, khu vực dịch vụ và xúc tiến thương mại.
Khu bảo tàng gốm trưng bày quá trình hình thành làng nghề gốm, các hiện vật liên quan đến quá trình phát triển của các làng nghề gốm…
Khu trưng bày ngoài trời gồm các tượng gốm lớn, cũng là không gian cảnh quan. Khu trưng bày các mô hình thu nhỏ của các di sản văn hóa Việt Nam và Thế giới như: khu Thành nội Huế, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Đô thị cổ Hội An. Các công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới như: kim tự tháp, đền Parthenon, Đấu trường Colosseum, Khải hoàn môn, tòa thánh Vatican…
Không gian Công viên Đất nung Thanh Hà đã tổ chức nhiều trại điêu khắc, sáng tác, triển lãm cho các nghệ sĩ trong và ngoài nước. Ông Roby Bellemans - Giám đốc điều hành công viên cho biết sau khi đi vào hoạt động, công viên sẽ có nhiều dự án trải nghiệm dành cho trẻ em và những người đam mê đất và lửa của nghề gốm cổ xưa.
Theo Vũ Trung (Vietnamnet)
Du lịch, GO!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét