Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

Dinh Đụn: Nơi dung hòa văn hóa Chăm - Việt

Dinh Đụn còn gọi là dinh bà U Linh Sạ Nữ Vương- nữ thần Chăm, nằm tại thôn Đông, xã An Vĩnh (Lý Sơn). Đây được xem là sự bảo lưu dung hòa văn hóa Chăm- Việt trong tín ngưỡng thờ nữ thần Chămpa. Dinh Đụn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Người dân nơi đây tin rằng, dinh Đụn rất thiêng và đem lại sự bình an, may mắn cho cộng đồng làng.

Dinh Đụn được xây dựng khoảng thế kỷ 17. Đây là di tích gắn liền với thời kỳ khai phá Cù Lao Ré- Lý Sơn của các dòng họ tiền hiền ở phường An Vĩnh, An Hải. Trước đây, dinh Đụn được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá và giờ đã được xây dựng quy mô nhưng vẫn giữ được các giá trị của kiến trúc xưa.

Quần thể kiến trúc dinh Đụn bao gồm các công trình kiến trúc như nhà tiền tế, hậu tẩm và nhà bếp dùng để nấu nướng vào những dịp lễ hội. Kiến trúc dinh Đụn vốn kiểu chữ đinh nên nhà tiền tế có kết cấu gỗ còn hậu tẩm kết cấu xây tam hợp. Phía trước phần chính dinh có mái hiên tạo nên khoảng hiên tương đối thoáng, người ta dựng 4 cột xây kiểu vuông và tạo nên hai sập từ góc mái xuống nền.
Dulichgo
Trên 4 cột trang trí 4 liễn đối chữ Hán sơn son thếp vàng. Hai bên sập của hai bên đầu góc trang trí bức họa mai trúc, đường diềm bờ mái cũng trang trí bích họa rất đẹp. Bờ mái dinh Đụn đổ khuôn, đắp nổi hình tượng tứ linh, cách thức trang trí: Ở vị trí trang trí lưỡng long uốn mình quay đầu vào nhau, hai bên là các tượng lân, quy, phụng bố trí theo quy pháp đăng đối. Nghệ thuật tạo khối và sơn vẽ trên các tứ linh được nghệ nhân thể hiện theo kỹ thuật đúc khuôn.

Trên đầu hồi của hai nóc mái trang trí cá hóa long đăng đối hai bên, 4 con cá chép ở hai đầu hồi quẫy đuôi uốn mình. Mỗi đầu hồi trang trí theo mô típ song ngư chầu vào mâm ngũ quả, được tạo tác đắp nổi rất cân xứng, hài hòa. Mô típ này thể hiện ước vọng phúc lộc đời đời của dân làng.
Dulichgo
Trên đỉnh nóc mái dinh Đụn trang trí hai rồng tạo từ khuôn theo mô típ lưỡng long tranh châu. Trên 4 góc bờ mái dinh Đụn trang trí cặp đôi rồng, phượng theo kỹ thuật tạo khuôn theo mô típ long phụng hòa minh. Nhà tiền tế có hai bộ vì kèo, bộ vì kèo chính có hai trính thượng, trính hạ. Trong đó, trính thượng đỡ một trụ đội và trính hạ đỡ hai cột trốn quá giang qua trính, liên kết với xà, cột để đỡ bộ khung mái. Liên kết giữa nhà tiền tế và hậu tẩm là bộ vì kèo cầu gồm có một trính nối qua hai cột để đỡ một cột trốn. Nối giữa nhà tiền tế và hậu tẩm là máng xối.

Hậu tẩm được giữ nguyên gốc, xây dựng bằng đá ong tạo vách, gạch thẻ tạo vòm cuốn... Hậu tẩm xây kiểu vòm cuốn, chồng cổ diêm thành hai tầng, tầng dưới là khoảng không gian thờ phụng, tầng trên là khoảng không gian trống. Hậu tẩm chồng cổ diêm thành tám mái, lợp ngói âm dương, góc mái trang trí đầu đao. Đỉnh mái trang trí hồ lô, diềm mái gắn sành sứ.

Hiện dinh Đụn đang được bảo tồn và phát huy rất tốt. Đây là một trong các điểm tham quan du khách không thể bỏ qua khi đến với Lý Sơn. Không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp, dinh Đụn còn là nơi bảo tồn cây cổ thụ hùng vĩ và đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đó là cây đa sộp gần 300 năm tuổi. Trải qua nhiều thế kỷ và đối mặt với thời tiết khắc nghiệt nhưng những cây cổ thụ trong khuôn viên dinh Đụn vẫn vươn lên xanh tốt như biểu tượng về sức sống mãnh liệt của con người trên đất đảo.

Đến nay, vào ngày 3.5 (Âm lịch) hằng năm, dân làng tập trung đông đủ  để dự lễ cúng tế Bà. Việc thờ nữ thần Chăm của người Việt trên đảo Lý Sơn đã cho thấy những mảnh vỡ của văn hóa Chăm trong quá khứ vẫn còn được dung hòa trong lòng văn hóa Việt. Đó là sự bảo lưu, chuyển tiếp các hình thái tín ngưỡng và vẫn giữ được các giá trị của nó trong đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng.
Dulichgo
Năm 1945, dinh Đụn được sử dụng làm trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính thôn. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dinh Đụn được sử dụng làm trụ sở Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã. Trong khuôn viên của dinh Đụn có xây dựng trường bình dân học vụ và cũng là nơi huấn luyện tinh thần cách mạng cho các đoàn thể, tổ chức trên đảo Lý Sơn.

Theo Duy Hùng (Báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 nhận xét:

Đăng nhận xét